Cửa Cung Sâu Thẳm - Chương 1
Trên bãi chơi mã cầu, thứ nữ nhà họ Trương kinh hoảng ngã ngựa, Diêu Tông Sách không suy nghĩ liền hất ta ra để cứu nàng.
Ta ngã nhào xuống đất, miệng đầy bùn, m-áu mũi tuôn không dứt.
Cơn giận bốc lên, ta không cần phong hào Quận chúa, cũng chẳng màng thân phận phò mã vinh hiển. Ta bỏ hết thảy mà chạy về Khiêm Châu tìm người chồng nuôi từ thuở bé – kẻ năm nào thường khóc nhè đòi theo ta.
Nhưng lần này, hắn chẳng khóc cũng chẳng cười, tập tễnh đôi chân què, dắt theo một đứa trẻ mặt không cảm xúc, đứng nhìn ta – một thân áo xuân ướt sũng, tiều tụy tiêu điều.
Từng lời từng chữ, nặng nề như đinh đóng cột:
“Bỏ chồng bỏ con, ngươi còn dám quay về ư?”
01
“Ta không gả nữa!”
Lời vừa thốt ra, khắp trong ngoài hoàng điện, không khí bỗng chốc đông cứng.
Hoàng đế – cũng là cữu cữu ta – đang bôi thuốc cho ta liền khựng lại, ánh mắt dài đầy uy nghi quét tới, khiến Diêu Tông Sách đang quỳ sau rèm cũng lặng người, thân hình cứng đờ.
Có lẽ thấy sống mũi ta ửng đỏ, mặt mày chật vật, cữu cữu khẽ thu ánh mắt, than một tiếng:
“Chút va chạm ấy mà đã không chịu nổi? Khi trước ở Khiêm Châu trèo lên trèo xuống, cũng chẳng thấy ngươi kêu đau một tiếng.”
Nghe nhắc đến quê cũ, môi ta mím lại, nén dòng lệ nóng trào nơi khóe mắt:
“Khi đó… không giống bây giờ.”
Khi cữu cữu còn chưa đăng cơ, nhà ta chỉ là dân thường nơi thôn dã, không lễ nghi, chẳng phân tôn ti. Ta cưỡi ngựa phi qua núi rừng bao la, có ngã cũng thấy khoái trá.
Nay, một trận binh biến đưa cữu cữu lên ngôi, ta cũng từ đó mà phú quý vô cùng, ngay cả hôn phu cũng phải chọn trong bậc thế gia quyền quý nhất kinh thành.
Diêu gia bốn đời tam công.
Trước kia, chỉ là nhân vật trên miệng người kể chuyện, ta nào dám mơ tới.
Cữu cữu chọn một người như thế làm phu quân cho ta, sắp tới còn muốn sắc phong ta làm Quận chúa. Lẽ ra, ta nên vui mừng.
Thế nhưng, ta chẳng thể nào quên ánh mắt đầu tiên của Diêu Tông Sách nhìn ta ngày ta nhập kinh – một ánh mắt bình thản, xa cách, thấp thoáng chán ghét.
Ta tự nhủ, cũng hợp tình hợp lý thôi. Ai mà vui vẻ cho được, khi bị ép phải cưới một nữ tử quê mùa mới phất lên nhờ người thân làm vua?
Thế nhưng, ai nấy đều nói ta thích hắn.
Quả thật, đôi mày nhã nhặn, đôi mắt đen sáng của hắn, giống như núi sông Khiêm Châu vào tháng ba – khiến ta tự nhiên thấy thân thuộc, như thể hắn vốn dĩ là người của ta.
Suốt một năm trời, ta dốc lòng lấy lòng hắn, chỉ mong hắn có thể thật sự hiểu con người ta trước ngày thành thân. Ít nhất, biết rằng ta không tệ như lời người đời đồn đãi.
Ta đọc sách cũng không ít, chỉ là may vá có phần vụng về – thêu con nhạn giống vịt, khiến người ta cười khi hắn cởi áo lộ ra túi thơm. Thế nhưng hắn vẫn đeo, khiến ta ngỡ rằng hắn đã động lòng.
Cho đến hôm nay, khi ta tận mắt chứng kiến hắn tại bãi mã cầu liều mạng lao tới cứu Trương nhị tiểu thư – người cũng mới từ thôn quê vào kinh như ta – thì lần đầu tiên ta thấy được cái gọi là “hoảng hốt thật sự” trên khuôn mặt Diêu Tông Sách.
Một người coi trọng nghi lễ như hắn, thế mà phát quan rối loạn, không chút do dự hất văng ta vẫn đang cưỡi chung ngựa với hắn, để lao ra cứu nữ tử kia khi nàng ngã ngựa.
Ta bị hất xuống đất, miệng ngập bùn, m-áu mũi trào không ngớt. Nếu không kịp nghiêng đầu tránh khỏi đá vụn, sợ rằng dung nhan đã hủy hoại.
Cú va chạm ấy, không chỉ là thân thể, mà cả lòng ta cũng bị nghiền nát tan tành.
Hắn sao có thể đối xử với ta như vậy? Ta tự thấy mình đường hoàng chính khí, trong lòng trào dâng một nỗi uất ức như thể bị phản bội. Dù hắn chưa từng nói thích ta, ta vẫn ngây ngô tin rằng, trong đôi mắt như khói mưa ấy, vốn dĩ chỉ nên có mình ta.
Ta chẳng biết vì sao lại tin như thế.
Nhưng hắn đã không cần ta, thì dẫu ta có thương, cũng không thể hạ thấp tôn nghiêm bản thân để níu kéo.
Ta cầu xin cữu cữu từ hôn.
Cữu cữu nắm chặt bàn tay đang thương tích của ta, ánh mắt phức tạp mà lạnh lẽo. Người cúi gần, dịu giọng gọi nhũ danh của ta, lời nói như mang ý răn đe:
“Ái Nhi, ngươi là người thân duy nhất của cữu cữu. Ngươi phải giúp cữu cữu, đừng khiến cữu cữu khó xử.”
Hôn sự giữa ta và Diêu gia là vì triều chính, chẳng liên quan đến tư tình, lại càng chẳng liên can đến chuyện yêu ghét.
Tiết xuân tháng ba, trời se lạnh, ta cúi đầu nhìn hoa văn rồng dữ tợn trên vạt áo của cữu cữu, lòng chợt dâng lên một cơn lạnh lẽo xa lạ.
Ta muốn trở về Khiêm Châu rồi.
2
Thực tình chuyện ở Khiêm Châu, ta đã chẳng còn nhớ rõ.
Ma ma trong cung từng kể, trận chiến năm xưa khi cữu cữu tranh đoạt ngôi báu vô cùng hỗn loạn, phụ mẫu ta vì thế mà vong mệnh. Còn ta, ngã khỏi xe ngựa, từ đó đánh mất một phần ký ức.
Nhưng nghe ma ma nói, ngày trước ma ma từng làm nhũ mẫu cho ta mấy năm tại Khiêm Châu.
Chốn ấy tuy xa xôi hẻo lánh, nhưng cảnh sắc lại tuyệt mỹ. Xuân về hoa nở thắm tươi, đông đến tuyết phủ trắng ngần; hạ thì cỏ mọc đầy bên hồ lớn, cưỡi ngựa thả chim ưng; thu sang lá phong đỏ rực như lửa, cháy bừng một khoảng trời.
Vui nhất là tiết tam nguyệt đầu xuân, khi dân làng mở hội, đèn hoa rực rỡ, tiếng nhạc vang xa. Người người trên phố cầm dải giấy ngũ sắc, gọi là “tẩu thần”, dài tới trăm trượng, tựa như trăm vạn cánh bướm từ khe núi bay ra, sáng rực lấp lánh trên đầu, như thể thần tích giáng thế.
Ma ma vừa khâu áo vừa mỉm cười kể:
“Hồi nhỏ tiểu thư cứ nằng nặc kéo bệ hạ đưa đi xem hội, khóc lóc om sòm chẳng chịu về. Bệ hạ bị làm phiền quá, đành đem giao cho người khác rồi bỏ đi chơi đá gà. Đến khi về bị mẫu thân của người phạt một trận nên thân, nói suýt nữa thì để kẻ gian bắt cóc tiểu thư đi mất. Nếu không phải là…”
Ma ma dừng lời, mím môi lảng sang chuyện khác:
“Nói gì thì nói, tiểu thư à, phải nghe lời bệ hạ. Người là cữu cữu của tiểu thư, sẽ chẳng bao giờ hại người đâu.”
Có lẽ hôm trước ngã ngựa mạnh quá, đầu đau như bị kim châm. Ta nghi hoặc hỏi:
“Khi ấy, bệ hạ đã đem ta giao cho ai?”
Ma ma đáp, giọng khẽ hẳn:
“Chẳng phải ai quan trọng cả.”
Ma ma vén áo lên ướm vào người ta, sắc gấm rực rỡ. Ma ma gật đầu khen:
“Tiểu thư mặc màu vàng nhạt là đẹp nhất, như cành liễu non đầu xuân. Vừa khéo, mặc đi yến tiệc xuân, cho Diêu công tử ngắm cũng được lắm.”
Ta nghe mà lòng nguội lạnh.
Cữu cữu mới đăng cơ, mở yến hội linh đình đón xuân. Con cháu thế gia, gia quyến công thần từng theo người thuở còn là thân vương đều được mời dự.
Nếu không xảy ra chuyện hôm trước, lẽ ra hôm nay cũng là ngày ta được phong làm quận chúa, rồi cuối tháng sẽ thành thân cùng Diêu Tông Sách.
Nhưng ta cố chấp chẳng chịu khuất phục, khiến cữu cữu tức giận. Bóng lưng người âm trầm rời đi hôm ấy như một lời cảnh cáo, rằng người sẽ cho ta một bài học.
Ban đầu ta chẳng bận tâm. Như ma ma từng nói, người là bậc cửu ngũ chí tôn, nhưng cũng là cữu cữu ta, sao lại hại ta được?
Nào ngờ, một câu nói trong yến tiệc đã khiến ta bừng tỉnh như bị tát thẳng mặt.
Bệ hạ đã triệu Trương tướng quân lên trước, hỏi rằng nhị tiểu thư nhà ông có nguyện làm nghĩa nữ của hoàng gia chăng?
Khắp tiệc im phăng phắc. Phía đối diện, bàn tay Diêu Tông Sách đang cầm chén khẽ siết lại. Trương tướng quân hốt hoảng, cùng cả nhà quỳ xuống:
“Thần nữ phận mỏng tài hèn, sao dám nhận ân sủng lớn lao của bệ hạ!”
Mọi người đều nghĩ, cữu cữu làm vậy là để răn đe hai nhà Trương – Diêu, vì chuyện ta bị làm nhục ở trường đấu ngựa.
Nhưng ta thì biết rõ, người đang cảnh tỉnh ta.
Người cười nhạt, thong thả nói:
“Trẫm thân tộc ít ỏi. Tướng quân có công với triều đình, xứng đáng được nhận vinh dự này.”
Ánh mắt trong tiệc đổ dồn về phía ta, đầy dòm ngó, như hàng vạn mũi kim nhọn đâm thấu. Mặt ta tái nhợt, ngoảnh nhìn cữu cữu, người chẳng buồn đáp lại, gương mặt lạnh lùng, cứng rắn, như ngầm nói rằng:
Không có ta, cữu cữu vẫn có thể kết thân với thế gia.
Còn không có cữu cữu – ta chẳng là gì cả.
3
Trương nhị tiểu thư được thu nhận làm nghĩa nữ hoàng gia, phong làm Bảo Thành Quận chúa.
Mà tước hiệu của ta, mãi vẫn chưa có tin.
Lâu dần, lời đàm tiếu trong triều ngoài nội bắt đầu nổi lên, đến cả thâm cung nội viện cũng vang vọng tiếng người nói ta thất sủng.
Ma ma khuyên ta nên cúi đầu trước cữu cữu, thấy ta vờ như không nghe, bà chỉ lắc đầu than rằng:
“Một nhà toàn những kẻ cố chấp.”
Kỳ thực lòng ta lại nhẹ nhõm. Ta nửa hiểu nửa không, nói với bà:
“Làm quận chúa, chưa chắc đã bằng hồi còn là nha đầu thôn dã ở quê.”
Ma ma bảo ta hồ đồ.
Nhưng ta không hồ đồ. Ta đã nhớ ra vài chuyện.
Ở Khiêm Châu, ta từng có một mái nhà. Trong nhà có một con chó già, phòng củi thì có đứa trẻ mà mẫu thân ta mua về làm phu quân nuôi từ bé.
Một thiếu niên, ngũ quan như núi non thanh tú, mắt mang nét uể oải chẳng khác gì Diêu Tông Sách. Khi xưa đã liều mạng giành ta từ tay bọn buôn người, vì vậy mà mặt bị rách, nơi đuôi mắt lưu lại một vết sẹo sâu. Trong đêm xuân sấm vang chớp giật, hình ảnh ấy đột ngột khắc vào tâm trí ta.
Ta nhớ rồi. Năm mười lăm tuổi, ta đã cùng hắn bái đường thành thân.
Cữu cữu giấu ta.
Vậy nên, ta cũng giấu hắn, giả vờ như chẳng nhớ gì. Mặc cho hắn, không rõ vì lý do gì, nâng đỡ Trương Nhị tiểu thư lên cao hơn từng ngày.
Cung điện của ta bị đoạt, y phục vượt chế của ta bị tháo xuống. Ngay cả cây hải đường do hắn đích thân trồng cho ta, cũng bị chặt bỏ chỉ vì Nhị tiểu thư không thích.
Bên ngoài, lời đồn nổi lên như thủy triều, nói rằng Nhị tiểu thư là cốt nhục riêng của cữu cữu.
Xét theo lẽ thường, Diêu Tông Sách hẳn nên mừng thầm. Dù sao cưới một nữ nhi hoàng gia, nếu là người mình yêu lại càng có lợi cho việc kết thân giữa thế gia và hoàng thất.
Ta lén sai người gửi tin, ngầm bảo hắn hãy nhân cơ hội mà xin đổi hôn.
Nào ngờ, hắn lại sắc mặt u ám, chặn ta tại Kim Minh Trì, mắt thâm quầng, tựa như đã lâu chưa ngủ. Hắn nói ta đừng bướng bỉnh:
“Một lần hai lần thì được, lâu dần ta không có nhẫn nại cùng ngươi chơi trò này.”
Trời đất chứng giám! Ai đang chơi trò với ai chứ?
Sau khi ta nhận ra tình cảm dành cho hắn chỉ là do tình xưa khi còn nhỏ, thì nhìn hắn, lòng ta chẳng còn chút ưa thích nào nữa.
Ta đứng thẳng người, giữ một khoảng cách với hắn, nghiêm giọng nói:
“Công tử, ta đây là đang giúp ngươi. Đổi hôn đi, ngươi cưới người ngươi yêu, ta về lại Khiêm Châu, từ nay không còn nợ nần nhau. Đó chẳng phải là chuyện tốt sao?”
Diêu Tông Sách trừng mắt nhìn ta không tin nổi, tựa như muốn khoét một lỗ trên thân ta. Hồi lâu sau, hắn nghiến răng, cười lạnh:
“Tốt… Tốt lắm… Chỉ mong ngươi đừng hối hận!”
Hôm ấy, hắn nổi giận đùng đùng đi xin từ hôn, quỳ giữa cơn mưa to trước điện suốt hai canh giờ, ép cho mối “duyên sâu tình cạn” giữa hắn và ta tan thành mây khói.
Mà ta thì cầu xin được trở về Khiêm Châu, cữu cữu chỉ thản nhiên lặng thinh.
Từ đó, trong ngoài cung, những kẻ từng là chỗ dựa của ta, đều đổ dồn về phía Trương nhị tiểu thư.
Nàng đắc ý vô cùng, khoác lên mình châu ngọc lấp lánh, bước vào điện nhỏ đầy cỏ dại của ta. Trên búi tóc cao ngạo, nàng ngang nhiên cài một cây trâm hải đường bằng vàng – chính là lễ vật ngày thành thân xưa kia, do phu quân nuôi từ bé đã tặng ta.
Nghĩ lại, ta vẫn chẳng rõ mình và nàng từng có oán cừu gì. Chỉ nhớ chúng ta là đồng hương. Nhưng từ khi nàng thân phận ngày càng cao, lại thường hay nói với ta: “Những thứ này vốn là ngươi cướp của ta.”
Có lẽ… nàng thực sự là cốt nhục của cữu cữu.
Nếu vậy, việc nàng đoạt lại hư danh và vinh hoa cũng là lẽ thường. Chỉ duy nhất cây trâm hải đường kia… không thuộc về nàng.
Ta mở lời xin nàng hoàn trả.
Nàng chầm chậm đưa tay vuốt cây trâm, cười lạnh:
“Từ xưa đến giờ, ngươi vẫn thế, bộ dạng như quên sạch mọi thứ, làm như thiên hạ này ngươi là người vô tội nhất…”
Giọng nàng chợt đổi, mắt ánh lên vẻ hung hăng:
“Nhưng ngươi nợ bao nhiêu người, ngươi định tính sao đây?”
Dứt lời, nàng rút trâm, hất tay ném mạnh xuống hồ.
“Muốn thì tự xuống nhặt đi.”
Ta chẳng cần nghĩ ngợi, liền nhảy vào hồ nước xuân còn lạnh buốt.
Làn nước lạnh như cắt da cắt thịt, cách biệt hẳn trời đất. Trong mơ hồ, ta nghe hai tiếng gọi đầy run rẩy, như sắp bật khóc:
“Nguyên Ái”
Ta nghe nhầm rồi chăng?
Ai còn quan tâm đến ta?
Ta cố hết sức nắm lấy cây trâm, siết chặt trước ngực, định nín thở bơi lên… nào ngờ chân lại bị rong nước quấn chặt.
Xong rồi.
4
Lòng ta chìm xuống, gắng sức giãy dụa, nhưng liền bị hai bàn tay mạnh mẽ từ hai bên nâng cả thân lên khỏi nước.
Vừa chạm đất, ta ho đến rách phổi xé gan. Không xa lắm, Trương nhị tiểu thư như hóa đá, đứng đó thất thần. Diêu Tông Sách và cữu cữu đều rối loạn, những giọt nước mưa từ mái tóc dài nhỏ xuống, thấm ướt hai vai ta.
Trong một thoáng, ánh mắt họ như mang theo nỗi đau khó diễn thành lời.
“Ngươi thật sự muốn quay về Khiêm Châu đến thế sao?”
Cữu cữu nhìn thẳng vào mắt ta, trầm giọng hỏi.
Ta chau mày, ho khẽ hai tiếng, ngẩng đầu thành thật đáp:
“Nơi ấy… có người đang đợi ta.”
Trên đầu vang lên một tiếng thở dài.
Cữu cữu đứng dậy, chậm rãi nói ra lời giống hệt như Diêu Tông Sách từng nói:
“Ngươi… đừng hối hận.”
Hối hận ư? Ta không biết.
Chỉ là trong lòng luôn có một giọng nói không ngừng thúc giục: Hãy về đi, trở về đi.
Bởi nơi ấy, còn có một phu quân nuôi từ bé năm nào – người từng dịu dàng, chu đáo với ta trong từng ký ức.
Thế là ta rời khỏi tầng tầng lớp lớp cung môn thâm nghiêm, vào một buổi cuối xuân mưa phùn lất phất, lặng lẽ bước trên con đường nhỏ ướt át dẫn về Khiêm Châu, lần theo ký ức tìm lại cánh cổng cũ phủ kín hoa tường vi.
“Cốc, cốc!”
Ta gõ cửa một lúc, không thấy ai đáp lời.
Đành ngồi thụp dưới mái hiên chờ đợi, tiếng mưa “tí tách, tí tách” ru mắt mơ hồ khép lại. Không rõ qua bao lâu, một tiếng sấm mơ hồ đánh thức ta, trước mắt là hai đôi giày vải, một lớn một nhỏ.
Ngẩng đầu nhìn lên, đứa trẻ đôi mắt đen như ngọc lưu ly, trong trẻo không nhiễm bụi trần, ánh nhìn lạnh lùng như đúc từ khuôn của người cha.
Nam nhân đứng bên, thân hình cao lớn, khuôn mặt bị che khuất dưới tán ô, tay xách đậu hũ, nửa khuôn mặt dưới là đôi môi mím chặt nhợt nhạt, giọng nói vang lên, lãnh đạm lạnh lùng:
“Ngươi còn trở về làm gì?”
Ta chợt bật dậy, tóc ướt rủ rối bời dính trên trán, lòng rối như tơ vò.
Đứa trẻ này… là…
Nam nhân ngẩng ô, đôi mắt dài sắc như đao lướt qua, đuôi mắt chạm đến tóc mai. Cằm góc cạnh, nghiêng mặt nhìn ta, từng chữ như đá nặng rơi xuống lòng:
“Ngươi… đã quên rồi ư?”
Sao ta dám quên…
Ta buột miệng nói dối:
“Không… không có.”
Rồi cố nặn ra một nụ cười lấy lòng:
“Con trai của chúng ta mà…”
Ánh mắt người đàn ông có chút quái dị.
Còn đứa trẻ thì ngẩng đầu nhìn ta, đôi mắt trong veo không lộ ra bất kỳ cảm xúc nào.
Ta lưỡng lự định đưa tay ra chạm vào tay nó, nhưng lại không dám, cũng chẳng dám thốt lên câu “Lớn thế này rồi cơ à” – nghe quá xa lạ, quá tàn nhẫn.
“Bỏ chồng rẫy con”, bốn chữ như núi đá đè xuống ngực, khiến ta bối rối đến hận không thể đào tim bới óc, lôi hết những ký ức mơ hồ kia ra trước mắt.
Hắn tên gì… đứa trẻ bao nhiêu tuổi… năm qua họ sống ra sao…
Ta quên tìm họ, nhưng… sao họ cũng không tìm ta?
Tiếng mưa trong khoảng lặng trở nên dữ dội, như lửa đổ dầu, rào rạt đập lên lá chuối xanh vang rền từng hồi.
“Ắt xì!”
Một cơn gió lạnh thổi tới, ta co rụt người, che miệng hắt hơi một cái thật mạnh.
Bàn tay dài trên cán ô của hắn khẽ siết lại, do dự trong giây lát, rồi cuối cùng… cũng nghiêng ô về phía ta một chút.
Mưa vẫn rơi…
“Tách… tách…”
Gió lay hoa tường vi, cánh hoa trộn lẫn bùn đất dính vào gót chân, lấm lem, rối bời như lòng ta.
Đứa trẻ đi giữa chiếc ô, nghiêng đầu nhìn ta, rồi lại nhìn người cha tập tễnh, nửa bờ vai đã ướt sũng.
Ánh mắt nó khẽ động, dường như… đang suy nghĩ điều gì đó.
6
Viện này không lớn, song nơi nơi đều thấy dấu vết chủ nhân chăm sóc tỉ mỉ.
Từ chiếc xích đu vững chãi như mới, đến tổ yến nằm giữa cành hải đường dưới hiên, ngay cả chuồng ngựa nơi góc vườn cũng được quét dọn sạch sẽ. Một con tuấn mã già thảnh thơi cúi đầu nhai cỏ.
Ta bước dưới hành lang, ánh mắt lướt qua rồi dừng lại nơi những vạch khắc lởm chởm trên cột trụ, từ thấp tới cao, từng nét từng đường như ghi chép lại hành trình trưởng thành của hai đứa trẻ.
Bên cạnh có hàng chữ xiêu vẹo, khắc rõ từng cái tên:
【Từ Nguyên Ái】
【Triệu Gia Trọng】
Ta khẽ đọc thầm: “Triệu Gia Trọng.”
Ngẩng đầu nhìn bóng lưng nam tử phía trước – thân hình gầy cao, bởi chân tật nên đi lại không nhờ gậy, vai nghiêng lệch dưới bóng hoa và mưa xuân, thoáng vẻ tiêu điều.
Trong phủ người hầu chẳng nhiều, đều là mấy vị lão nhân. Trông thấy ta, họ thoáng kinh ngạc, rồi nở nụ cười hiền hậu:
“Tiểu thư đã về rồi!”
Ông lão đang nhổ cỏ trong vườn hoa nghe tiếng thì đứng bật dậy, tay đỡ nón lá, nheo mắt nhìn rồi hô to:
“Tiểu thư nhà ai thế? Sao Gia Trọng lại đưa nữ tử về?”
Bà lão bên cạnh giận dỗi đánh nhẹ lên tay ông:
“Già rồi mà mắt kèm nhèm! Nhìn cho kỹ, ấy là tiểu thư nhà mình chứ còn ai!”
Ánh mắt bốn phía nhìn ta, toàn là những gương mặt thân quen. Vậy mà ta chẳng sao nhớ nổi tên ai, chỉ biết mím môi cười nhẹ.
Chẳng ngờ ông lão kia bỗng giận dữ vứt cuốc, giọng đầy phẫn uất:
“Ta hiểu rồi! Nhất định tiểu thư bị tên nhãi họ Diêu kia bắt nạt! Hừ, tưởng vợ chồng Đại đương gia khuất núi thì nhà họ Từ không còn ai chắc? Nào, cưỡi ngựa Ô Đầu của ta, lần này ông đây dù có phải bò thì cũng phải vào kinh mà đòi lại công đạo cho tiểu thư!”
Ta sững người.
Người bên cạnh vội kéo ông về:
“Lão Canh! Thôi đi! Mắt mờ lòng cũng mờ! Tiểu thư trong kinh có Nhị gia bảo hộ, ai dám bắt nạt chứ?”
Bà lão ngượng ngùng quay sang ta cười nhẹ:
“Phải đó. Nghe nói tiểu thư sắp thành thân, lần này về chắc là để tế bái Đại đương gia và phu nhân. Bấy nhiêu năm ngóng trông, cuối cùng cũng gả được cho người xứng đáng. Đại đương gia ở trên trời ắt cũng có thể an lòng rồi.”
Triệu Gia Trọng dừng bước, khẽ nghiêng đầu, lập tức mọi người im bặt. Ta lặng lẽ bước theo sau.
Một hồi lâu, hắn cất tiếng:
“Đó là Triệu ma ma, thị nữ theo hồi môn của mẫu thân ngươi. Còn lão Canh là mã phu của phụ thân. Những người khác đều là các lão nhân từng làm việc trong phủ.”
Ta cúi đầu, lí nhí đáp:
“Ta… ta biết mà.”
Hắn lặng lẽ nhìn ta.
Bị nhìn đến mức bối rối, ta đành buông vai thở dài:
“Được rồi… là do trước kia ta bị thương, mất trí nhớ tạmthời.”
Đoạn, ta mắt sáng rỡ, nói vội:
“Nhưng ta nhớ chàng. Nhớ cả hài tử của chúng ta nữa.”
Triệu Gia Trọng đẩy cửa phòng phía đông, bóng nghiêng nửa khuôn mặt chìm trong bóng râm.
Hắn nói, hắn đã lừa ta.
“Chúng ta không có hài tử. Đó là cháu ngoại của Triệu ma ma, tên là Hoài An.”
Lòng ta bỗng chùng xuống, nói chẳng nên lời, chỉ thấy một nỗi buồn lặng lẽ.
Phòng này từng là nơi ta ở. Hắn giống như một người hầu tận tụy nhất, tìm lấy y phục sạch sẽ, gấp ngay ngắn đặt sau bình phong.
Thấy hắn định rời đi, ta vội nhào lên bình phong, trễ vai hé người ra, cố chấp hỏi:
“Vậy nhưng… chúng ta đã bái đường thành thân, là thật mà! Ta nhớ rõ năm mười lăm tuổi đã gả cho chàng!”
Hắn trông thấy bờ vai ta lộ ra, lập tức ngoảnh đi, ánh mắt né tránh, tay siết chặt:
“Tiểu nhân nào dám vọng tưởng trèo cao? Chỉ sợ cô nương nhớ lầm, đem chuyện từng giả làm tân nương trong hội miếu thuở nhỏ mà tưởng là thật thôi.”
Hắn không nhìn đôi mắt đã hoe đỏ của ta, chỉ cụp mi nói khẽ:
“Phu quân của cô nương đang ở kinh thành. Khi nguôi giận rồi, vẫn nên trở về bên người ấy.”
Cánh cửa, khẽ khàng khép lại.
Cớ sao lại thành ra thế này?
Sau bình phong, ta chậm rãi ngồi xuống, ôm chặt lấy y phục trong lòng, hít sâu hương hoa quen thuộc. Mãi đến khi nhận ra năm xưa ta từng đánh mất một người. Giờ muốn quay đầu tìm lại, lại chẳng thể nữa rồi.