Cửa Cung Sâu Thẳm - Chương 3
11
“Nếu chỉ là thế, không có đường tiến thân, thì chí ít giữ được cái mạng trở về quê nhà cũng tốt. Nhưng đến chút hy vọng ấy… bọn họ cũng muốn đoạn tuyệt.”
Ngón tay nhỏ gầy của tiểu tử siết chặt, phát ra tiếng “rắc rắc”, đôi mắt vốn lặng như nước nay bừng lên ngọn lửa hận ngùn ngụt.
“Bọn chúng… chẳng còn là người nữa. Vì muốn mưu cầu thêm đầu người mà lập công, liền đem đám dân chạy nạn từ biên cảnh đến, ép nhập vào quân ngũ. Đều là dân lành tay không tấc sắt! Là người của chính chúng ta, là bá tánh mà chúng ta lẽ ra phải bảo vệ!”
Trong mắt tiểu tử thoáng hiện một nỗi sợ dị thường.
Hắn từng gi.ết không biết bao nhiêu người, vậy mà chưa từng gặp ác mộng. Nhưng cái ngày ấy hắn nhìn thấy trong thảm lều toàn là đầu người, thậm chí có cả phụ nữ và trẻ con. Đến tận bây giờ, vẫn thường xuất hiện trong mộng.
“Đại tướng quân không chịu cấu kết cùng bọn họ, bọn ta cũng chẳng muốn tiếp tục bán mạng cho những kẻ như vậy. Từng muốn âm thầm vào trung quân doanh, cáo giác tội trạng, phơi bày tội ác của lũ cầm thú đội lốt người ấy cho thiên hạ biết.”
Nhưng suýt chút nữa, ngay cả mạng cũng chẳng giữ nổi.
Bọn cấp trên phát giác, liền phái người truy sát. Ba ngàn quân cựu Khiêm Châu, sống sót trở về chẳng còn nổi trăm.
Về sau, tân triều lập quốc, Hoàng đế là người Khiêm Châu, bọn họ ngỡ rằng cơ hội rửa oan báo thù đã tới.
Nào ngờ, ngay cả khỏi đất Khiêm Châu cũng không ra được.
Những kẻ năm xưa từng vu hãm bọn họ nay đã vững chân trên triều đình, từng người từng người đều là đại quan quyền quý, giẫm ch.ết bọn họ còn dễ hơn giẫm một con kiến.
Có người từng cải trang làm thương nhân, định vào kinh cáo trạng. Chưa ra khỏi cửa thành, đã bị nha dịch lấy cớ vu vạ, tra khảo đến ch.ết trong lao ngục.
Trời xanh không có mắt, nhưng lũ người kia thì có.
Cả Khiêm Châu, từ trên xuống dưới, đâu đâu cũng là tai mắt. Muốn sống tiếp, chỉ có cách ngậm miệng, câm lặng mà sống.
Mặt trời lặn hẳn, ánh chiều tà lặng lẽ bị nuốt chửng giữa tầng tầng lớp lớp núi rừng. Sắc lam tro của hoàng hôn thoáng vuốt nhẹ lên lưng gầy guộc của tiểu tử, rồi tan biến như bóng trăng trong nước, như mộng nát giữa đêm.
Hắn nhắm mắt, hít một hơi khí lạnh thật sâu, như thể có thể cùng hơi thở ấy mà dốc ra nốt ngọn lửa cháy âm ỉ trong lồng ngực bao năm nay.
Hắn nói, sống, bọn họ chẳng cầu gì hơn ngoài một chữ: “tôn nghiêm”.
Tiểu tử mở mắt, nghiêng đầu, mỉm cười nhìn ta:
“Đa tạ cô nương nguyện nghe lời oán thán của ta. Cô nương là người tốt… Nếu tướng quân có thể động lòng với người thì hay biết mấy.”
Ta khẽ lắc đầu, lùi sâu vào trong bóng tối.
Nếu lời hắn là thật… thì mọi chuyện đều có dấu vết.
Diêu Tông Sách thân cận với nhà họ Trương. Mà năm xưa, Trương đại tướng quân từng cùng cữu cữu trấn giữ Ngọc Châu, thống lĩnh doanh trại ở ải Uy Hổ.
Diêu Tông Sách tuy có tài, mấy bản tấu luận về binh pháp từng được sĩ lâm ca tụng… nhưng hắn chưa từng ra chiến trường, thậm chí biên cảnh còn chưa từng đặt chân tới.
Vậy mà đến lúc phong công ban thưởng lập quốc, hắn lại đứng cao hơn cả những lão tướng bạc đầu từng vào sinh ra tử. Vì sao?
Cữu cữu… người có biết không? Hay người đã ngầm chấp thuận, lấy mạng sống và hy sinh của những người như Gia Trọng để đổi lấy sự yên ổn của ngai vàng, tránh làm phật lòng các thế gia vọng tộc?
Vậy còn ta? Nhà họ Từ của ta chẳng phải cũng đang giúp bạo làm ác đó sao?
Ta không dám nghĩ nữa.
Nếu thật là như vậy… Gia Trọng đâu chỉ có oán ta. Hắn có căm hận ta, cũng đáng.
Là ta bỏ rơi hắn, đi lấy một người từng cướp đoạt tất thảy: tuổi xuân, sinh mạng, công danh, tiền đồ… của hắn và bằng hữu hắn.
Ta còn mặt mũi nào ở lại đây? Ta thậm chí không dám ngẩng đầu nhìn thẳng vào ánh mắt thiện lương của tiểu tử.
Đêm đã buông xuống. Trên cầu có người châm đèn, ánh sáng chập chờn như sao rơi trên mặt sông tăm tối.
Ta đưa tay che mặt, vô thức bước đi.
“Ơ? Đi rồi à?” Phía sau, tiểu tử hốt hoảng gọi “Cô nương ở đâu vậy, ta còn chưa đưa người về kia mà!”
Ta lắc đầu.
Hắn lật đật đuổi theo vài bước, cúi đầu nhìn ta, sững sờ:
“Cô khóc à? Vì sao mà khóc?”
Tay hắn luống cuống.
“Ai da… Tướng quân tuy trong lòng có người khác rồi, nhưng mà cô nương đẹp như tiên giáng trần, biết đâu một ngày kia tướng quân động lòng thì sao? Cô cứ cố thêm chút nữa, không thì… ta giúp!”
Ta lắc đầu, giọt lệ nặng trĩu rơi xuống từng hạt trên cằm.
Vừa mới bước qua khỏi cầu, liền va phải hai người. Một đôi tay ấm lạnh đặt lên vai ta. Tiểu tử “soạt” một tiếng dừng chân, ngẩng đầu đối diện ánh mắt lạnh băng của nam nhân kia.
“Tu… tướng quân…” – hắn lắp bắp gọi.
12
Bên cạnh, lão Ngũ giơ tay quật mạnh một cái vào đầu tiểu mảnh que:
“Ngươi chán sống rồi hả? Bảo đưa người về nhà, mà đưa tới chỗ quái quỷ nào vậy?!”
“Sao còn làm nàng khóc rồi?!”
Tiểu tử ấm ức:
“Ta có làm gì đâu mà…”
Ánh mắt Triệu Gia Trọng rơi trên mặt ta, im lặng trong chốc lát, rồi nhẹ nhàng đưa tay lên, đầu ngón tay chạm vào giọt lệ chưa kịp khô, dịu giọng hỏi:
“Sao lại khóc?”
Ta chỉ lắc đầu, muốn rút khỏi tay hắn, gắng nén tiếng nghẹn ngào:
“Đừng quan tâm đến ta nữa…”
Triệu Gia Trọng vẫn không nhúc nhích, thản nhiên đáp:
“Không để tâm tới nàng, vậy nàng có biết đường mà về?”
Mi mắt ta khẽ run, rồi từ từ khép lại. Môi mím chặt, nước mắt lại rơi.
Không thể nghe giọng hắn thêm được nữa…
Ta sợ bản thân sẽ bật khóc thành tiếng.
Còn đâu là đường về nhà nữa…
Chỉ còn một con đường về kinh, phải nhanh chóng tìm gặp cữu cữu, tra rõ chân tướng, trả lại trong sạch cho hắn, cho các tướng sĩ nơi Khiêm Châu.
Đó là món nợ ta mang.
Trên đầu truyền đến một tiếng thở dài khe khẽ, rồi bất ngờ thân thể rời khỏi mặt đất. Ta giật mình mở mắt, thấy Triệu Gia Trọng thấy ta không chịu đi, liền quỳ một gối xuống, xoay người cõng ta trên lưng.
Bên cạnh, lão Ngũ và tiểu mảnh que đứng sững người, há hốc miệng.
Ta khẽ đẩy vai hắn: “Đặt ta xuống đi…”
Nhưng nhìn dáng hắn khập khiễng, bước chân không vững, tim ta như bị bóp nghẹt, không dám nhúc nhích nữa.
Ta úp mặt lên lưng hắn, mùi hương mộc mạc từ trúc và gỗ thoảng qua, nhẹ giọng thì thầm:
“Sao vẫn đối xử tốt với ta như vậy… Ta không đáng mà…”
Người phía dưới không nói gì.
Một lúc lâu… thật lâu, lâu đến mức ta tưởng sẽ chẳng bao giờ nghe được tấm lòng chân thật của hắn nữa…
Hắn bỗng cất lời, thanh âm trong trẻo dịu dàng như năm nào, chứa chan bao dung không đổi:
“Vì ta nghĩ… nhất định nàng có nỗi khổ tâm riêng.”
Ta siết môi, cắn chặt môi dưới, nghẹn ngào:
“Nhưng ta đã không còn nhớ gì nữa…”
Hắn đổi lại tay, cõng ta chắc chắn hơn, nhẹ giọng:
“Không sao… có ta tin là đủ rồi.”
Ánh trăng xuyên qua mây mờ rọi xuống đầu ngón chân, không cần đèn lửa, chỉ cần một người còn nhớ đường về, thì đường trước mắt… vẫn rõ ràng.
Ta không thể nhịn được nữa, úp mặt vào lưng hắn, nức nở khóc òa.
13
Đêm ấy, ta vốn ngỡ sẽ trằn trọc suốt canh thâu, chẳng ngờ về đến nhà, được Triệu ma ma dỗ dành uống một bát canh ngọt, lại ngủ một giấc đến tận lúc trời xế bóng, mộng mị chẳng vương.
Bừng tỉnh ngồi dậy, ngoài cửa sổ mưa bụi lất phất, sương mù giăng giăng. Trong sân, chỉ thấy một bà lão bếp quét cánh hoa rụng, ngoài ra chẳng còn ai khác.
Nhớ lại chuyện Tiểu tử đánh nha dịch hôm qua, Lão Ngũ bảo sẽ rước họa về cho Triệu Gia Trọng. Ta quanh quẩn khắp sân tìm kiếm, chẳng thấy bóng người, trong lòng dâng lên nỗi hoảng hốt.
Vội vã chạy đến hỏi bà lão:
“Ma ma, người có biết Triệu Gia Trọng đi đâu rồi chăng?”
Bà lão tai đã kém, lú lẫn, nghiêng tai lắng nghe hồi lâu, rồi ngẩng đầu nhìn ta, mỉm cười:
“Ái cô nương đừng sốt ruột, đại đương gia cùng phu nhân chẳng mấy chốc sẽ lên thuyền về phủ, những thứ cô nương muốn như trâm ngọc, hoa châu, đều sẽ mang về cả.”
Ta càng nóng ruột, vừa nói vừa ra hiệu:
“Không phải! Là Triệu Gia Trọng ấy, người cao cao, gầy gầy, mặt mày tuấn tú kia kìa!”
“À, hắn à!” Bà lão bừng tỉnh, đưa mắt về phía thư phòng, cười nói:
“Không phải đang ở đó sao, chắc lại vì cô mà bị phạt chép bài văn của tiên sinh rồi. Ái cô nương, cô cứ hay bắt nạt hắn!”
Mắt bà lão đã lẫn, chẳng phân biệt được quá khứ hay hiện tại, chỉ nhớ kỹ lời dặn: phải canh chừng ta cho cẩn thận.
Bà nắm lấy tay ta, khẽ dặn:
“Đừng ra ngoài, ngoài kia có bọn bắt cóc!”
Ta lòng như lửa đốt, giằng tay ra, đỡ bà nép vào hành lang tránh mưa.
“Ma ma ở yên trong nhà, ta sẽ quay lại rất nhanh thôi!”
Tay vén váy, nhảy qua vũng nước, cánh hoa rơi ào ào dưới chân.
“Ái cô nương!”
Tiếng bà lão dần xa.
Mưa rơi rả rích trong sương, lúc tạnh lúc rơi. Trên phố, người người lũ lượt kéo về một hướng. Ta cảm thấy điềm chẳng lành, tim đập như trống giục, chân bước theo không kịp suy nghĩ.
Trước cổng nha môn, dân chúng tụ tập đông đúc.
Tri châu đại nhân ngồi nghiêm dưới biển quan, thần sắc uy nghiêm, chưa giận mà đã có oai. Một tiếng vỗ mộc đường vang lên, có người bị dẫn ra.
Chính là tiểu tử.
“Họa do người làm, ta xin chịu một mình!”
Hắn đứng thẳng người, ngẩng đầu đáp:
“Bọn họ là do ta đánh. Nhưng không chỉ vì tư oán. Bao năm nay, nha môn không ra nha môn, nuôi một lũ ăn cơm triều đình, lại hại lê dân. Ta đã nhìn ngứa mắt từ lâu. Trận đòn hôm qua, là ta trừ hại cho dân!”
Ba tên nha dịch đứng bên trái, mặt mũi sưng húp, nghe vậy giận dữ quát:
“Ngươi là thứ gì mà dám lớn tiếng ở đây! Đồ con hoẵng non, đá xuống đất còn bẩn chân!”
“Ta là con hoẵng, nhưng vẫn đánh các ngươi kêu cha gọi mẹ. Vậy các ngươi là gì? Còn chẳng bằng hoẵng hay sao?” – Hắn nhướng mày.
Đám đông bật cười ồ lên.
Ta chen giữa đám người, trông thấy Triệu Gia Trọng khẽ chau mày.
Hôm nay hắn vẫn mặc bộ y phục cũ kỹ, sắc xám mờ nhạt, nhưng mặt mũi tuấn tú lạ thường, khiến người ta dễ nhận ra giữa đám đông. Có mấy phụ nhân trẻ cố tình chen đến gần, che miệng cười khúc khích.
Trên công đường vang lên một tiếng:
“Tĩnh lặng!”
Vụ án bắt đầu xét xử.
Theo luật pháp triều ta, nha dịch không phải quan chức, không có phẩm hàm, là do nha môn tuyển từ dân gian. Vậy nên luận tội cũng không nặng, nhiều lắm là xử roi hoặc nộp tiền chuộc tội, tránh lao ngục.
Nhưng trong đám đông, đám cựu binh Khiêm Châu, đứng đầu là Triệu Gia Trọng, ai nấy mặt mày nghiêm nghị, như thể sự tình chẳng đơn giản như thế.
Trên công đường, gương mặt tri châu đại nhân mơ hồ sau mũ cánh én, bóng mũ khẽ lay.
“Ngươi nói việc này do một mình ngươi làm, nhưng sau khi điều tra, phát hiện ngươi vì một kẻ cuồng dân buông lời ngông cuồng, vu cáo triều đình mà ra mặt. Kẻ ấy nhiều lần tụ tập gây chuyện, mạo xưng quân công.”
Tri châu gõ ngón tay lên mặt án, giọng bỗng lạnh đi:
“Triều ta mới truyền ngôi được một năm, Khiêm Châu ta kề sát biên thùy, tuy loạn thế đã yên, nhưng Kim nhân vẫn rình rập bên kia. Nay lại xuất hiện những kẻ quấy phá lòng dân, mưu toan chia rẽ triều đình với bách tính, há chẳng khiến bản quan nghi ngờ hay sao?”
Lời ấy…
Chẳng phải là vu cho họ tội thông địch mưu phản sao?!
14
Ta vội vàng nhìn về phía Triệu Gia Trọng. Bên cạnh hắn, cả lão Ngũ cùng mấy người khác đều đỏ hoe đôi mắt, như thể sắp lao lên bất chấp tất cả.
Triệu Gia Trọng mắt nhanh tay lẹ, liền đưa tay ngăn họ lại. Sắc mặt hắn không rõ vui buồn, song ta nhìn thấy bàn tay thõng bên sườn đang siết chặt một vật gì đó, m.áu từ kẽ tay nhỏ xuống từng giọt.
Trên công đường, quan phủ vẫn đang gằn giọng truy ép, nhất quyết bắt tiểu tử gầy kia khai ra nội ứng ẩn sau màn.
Tiểu tử nghiến chặt răng, một tiếng cũng không chịu thốt.
“Dân đen vô lại!” Tri châu liếc mắt lạnh lùng, nhàn nhạt phất tay ra lệnh xử hình.
Một trăm trượng.
Không cần người tinh thông hình pháp, chỉ cần loạn côn cũng đủ lấy mạng người.
“Bịch!”
Ghế tra đặt xuống. Hai tên nha dịch vung cán trượng, áp tiểu tử lên ghế dài, lưng hắn ép xuống, cây trượng đầu tiên giáng thẳng vào phần thận dưới lưng.
“Ư…”
Một ngụm máu không lời trào ra nơi miệng hắn.
Hắn cố nhịn, không chịu kéo ai cùng xuống nước.
Nhưng người đứng ngoài nhìn, lại khó mà khoanh tay.
Lão Ngũ gân trán nổi phồng, đẩy kẻ cản mình ra, phóng lên giữa công đường, hét lớn:
“Muốn người ch.ết, cần chi vòng vo viện cớ? Được! Các ngươi muốn nội gián đúng không? Là ta! Bắt ta mà chém, mà lăng trì, ta nhận hết! Đừng hỏi thêm ai nữa!”
Tri châu cười nhạt, lắc đầu, chậm rãi khẩy nước trà nổi trên miệng chén:
“Ngươi? Ngươi làm không nổi đâu. Nghe nói ngươi làm ăn buôn bán trên sông, vậy chủ sau lưng ngươi là ai?”
Đám đông lập tức lặng ngắt như tờ.
Từng ánh mắt khác biệt đồng loạt đổ dồn về phía Triệu Gia Trọng.
Trời u ám, mưa rả rích gõ mái đình.
Hắn ngẩng đầu nhìn trời, dường như khẽ cười, làn mưa rơi lốm đốm trên dung nhan tựa ngọc. Hắn buông tay, như thể đã thuận theo số mệnh, lặng lẽ tiến lên giữa công đường.
Ta nhìn thấy, vật trong tay hắn rơi xuống một miếng ngọc bội đeo bên hông: ngọc khắc hình cá ngậm hải đường, cánh hoa thấm m.áu, giữa dáng người xám xịt, đó là điểm sáng duy nhất.
Hắn đứng nơi công đường, lặng lẽ mà vững chãi, như tùng như bách.
“Tiểu nhân Triệu Gia Trọng, khấu kiến đại nhân.”
Rồi… hắn quỳ xuống.
Mãi không đứng dậy.
Cảnh ấy in vào mắt ta, khiến tim ta nhói đau, chấn động không thôi.
“Tướng quân!” Lão Ngũ cùng tiểu tử gầy đỏ hoe mắt, gào lên “Ngài quỳ cái tên chó má ấy làm gì! Mau đứng dậy! Chúng ta tự gánh lấy tội, không cần ngài vì chúng ta mà gánh thay!”
Triệu Gia Trọng mắt nhìn đất, như mất hồn, khẽ lẩm bẩm:
“Các ngươi… có tội gì chứ?”
“Hử, tướng quân à?” Tri châu cười đầy hứng thú, ánh mắt lộ vẻ châm biếm “Triệu Gia Trọng, ngươi là tướng quân sao?”
Triệu Gia Trọng đáp:
“Tiểu nhân không phải.”
Tri châu nhướn mày, hỏi lại:
“Vậy ngươi nói bọn họ vô tội, tức là… người có tội chính là ngươi?”
Triệu Gia Trọng đứng thẳng lưng, ngẩng đầu nhìn thẳng vào mắt hắn:
“Phải. Tiểu nhân có tội.”
Tri châu nở nụ cười hài lòng. Nhưng ngay sau đó, lại nghe Triệu Gia Trọng chậm rãi, rõ ràng từng chữ:
“Tiểu nhân có tội, tội ở chỗ vì muốn giữ yên một phương, mà giấu đi sự thật. Để ba nghìn binh sĩ Khiêm Châu theo ta trấn thủ biên ải, nay phải để cốt nhục anh linh họ bị bọn tiểu nhân chà đạp.”
Ầm! Đám đông xôn xao chấn động.
Tri châu lập tức cau mày, trầm giọng quát:
“Ngươi…!”
Triệu Gia Trọng lại nói, giọng vẫn bình đạm như cũ, song từng lời nặng như đá tảng:
“Ta phạm tội là ở chỗ biết rõ bản thân không đủ bản lĩnh, thế mà vẫn muốn mạnh mồm xông lên trước, hại ba nghìn quân sĩ Khiêm Châu vì ta mà chịu liên lụy, bị tước công danh, mất cả tính mạng, như chó mất nhà, phải chui rúc nơi hẻo lánh, đến một tiếng bất bình cũng chẳng dám thốt ra.”
“Bộp!”
Tiếng mộc bản phán đường vang dội, rung lên giữa đại sảnh.
Tri châu đập mạnh tay lên bàn, trừng mắt quát:
“Câm miệng! Ngươi dám ăn nói hồ đồ! Khiêm Châu từ trước đến nay chưa từng có đội quân nào giữ cửa ải cả! Đám binh sĩ được phân vào dưới trướng Trương đại tướng quân đều đã có công huân ghi danh, sổ sách rõ ràng, đâu để cho ngươi ngậm m.áu phun người!”
Tri châu hừ lạnh một tiếng, giễu cợt:
“Ngươi nói đánh Kim binh? Đánh Hoàn Vương? Nực cười! Có chứng cứ gì?”
Triệu Gia Trọng vịn đất gắng sức đứng dậy, lê theo đôi chân thương tích chưa lành, tiến lên một bước, giơ tay giật mũ lão Ngũ xuống.
Dưới lớp vải che là một vết sẹo cháy sạm, dữ tợn khủng khiếp đến mức khiến cả đại đường xôn xao, ai nấy đều biến sắc.
“Tháng Hạ năm thứ hai mươi bảy niên hiệu Thừa Thông, Kim binh đánh vào Uy Hổ quan, chia binh làm hai ngả, vây mấy chục ngày. Trong ải cấp báo.
Trịnh Ngũ vì cứu tiền tuyến, dẫn năm mươi huynh đệ vòng ra sau lưng địch, phóng hỏa thiêu lương thảo, cứu được trong quan khỏi nạn. Nhưng công này lại được ghi vào dưới danh nghĩa nghĩa tử của nội thần Tổng đốc Thu công công, tức Hạ Châu Đô đốc ngày nay – Hà Luân.”
Lão Ngũ quay đầu đi, ra sức nén xuống nỗi uất nghẹn.
“Xuân năm Thừa Thông hai mươi tám, Hoàn Vương dẫn kỵ binh vượt sông băng, nội ứng ngoại hợp với Kim binh, đoạt mười ba thành biên quận. Binh sĩ tử trận gần hết, đại tướng quân ra lệnh cho quân Khiêm Châu làm cảm tử, xé mở sườn cánh địch, giành lấy một đường sống cho quân dân thoát về quan nội.”
Triệu Gia Trọng giật áo tiểu tử, lộ ra vết sẹo dài hai ngón tay vắt ngang ngực, nổi gồ lên, chỉ cần sâu thêm nửa tấc ắt đã vong mạng.
“Công này lại ghi dưới danh trưởng tử của đương kim Lại bộ Thượng thư – Tiêu Hán Văn.”
Trong ngoài công đường bắt đầu xì xầm, ánh mắt nghi ngờ lan dần khắp nơi.
Bỗng, một giọng nam trong trẻo mà vững vàng chầm chậm vang vọng cả sảnh đường:
“Đông năm thứ hai mươi chín niên hiệu Thừa Thông, lão Canh cùng tám mươi lão binh mang trọng thương, bò qua thủy đạo ngầm, đột nhập thành do Kim binh chiếm đóng…
Xuân năm thứ ba mươi, một nghìn tám trăm hai mươi sáu quân Khiêm Châu, không ch.ết nơi sa trường, mà ch.ết trên đường về nhà. Thậm chí, người nhà còn chẳng tìm nổi xác đem về mai táng…”
Cỏ khô chăn ngựa sớm mai,
Sông đóng băng, lặng lẽ vượt đêm dài.
Đất trời rộng thênh, chẳng rõ đường quay lại.
Thân gửi nơi mũi kiếm, nỗi lòng biết tỏ ai?
Tĩnh.
Tĩnh đến rợn người, như cái ch.ết đè xuống cả phủ nha.
Bỗng, một tiếng thét xé tan khoảng không:
“Thì ra con ta là như vậy mà ch.ết! Mọi người nói nó đào ngũ, bị Kim binh chém ch.ết ngoài quan…
Thì ra là lừa gạt! Là lừa gạt!”
Người nhà tử sĩ càng lúc càng đông, từng bước tràn lên công đường, gào khóc hỏi chân tướng. Đám nha dịch tay cầm gậy gộc cũng không cách nào ngăn nổi.
Tiếng gào, tiếng khóc, tiếng chất vấn cuồn cuộn nổi lên, thổi tung cả nha môn phủ châu thành một mảnh hỗn loạn.
15
“Im lặng!”
Tiếng mõ đường của tri châu vang lên như sấm, đến nỗi nát cả cán, rơi xuống đất.
Ông ta thở hổn hển, ngửa người ra tựa ghế tròn, giận dữ mắng:
“Loạn dân! Một đám loạn dân!”
Một chén trà đã nguội được rót ừng ực xuống bụng, lúc này vị tri châu mới dần bình tâm lại.
Ông vuốt chòm râu, ánh mắt u tối khó lường, quét qua từng người trong nhóm Triệu Gia Trọng.
“Chỉ bằng vài lời của ngươi cùng vài vết sẹo dao kiếm mà muốn lật ngược phải trái, vu hãm hàng quyền quý đại thần trên kia? Triệu Gia Trọng, mấy năm nay bản quan cũng từng giao thiệp với ngươi, ngươi là kẻ thông minh, sao giờ lại hồ đồ như vậy?”
Triệu Gia Trọng điềm nhiên, chắp tay cúi đầu:
“Đại nhân cũng đã nói, là tiểu nhân đơn phương vu cáo triều thần, vậy nên mọi tội lỗi, xin một mình tiểu nhân gánh chịu. Còn những người khác, chẳng qua bị tiểu nhân xúi giục mê hoặc, đều là kẻ vô tội.”
Lúc ấy, ta bỗng hiểu ra.
Hắn biết đời này không thể địch nổi quyền thế bên trên, nên chỉ có thể dùng mạng sống mình để đổi lấy một cơ hội, một cơ hội để nói ra sự thật trước mặt chúng sinh, và một con đường sống cho đám quân sĩ cũ ở Khiêm Châu.
“Tướng quân!”
Lão Ngũ và tiểu tử sững sờ nhìn chàng.
Bọn họ từng là huynh đệ vào sinh ra tử, mặc chung một thân giáp, uống cùng một bầu rượu. Sao có thể cam tâm để một mình hắn đứng mũi chịu sào?
Rất nhanh, trong đám đông, một người trong nhóm “đồng phạm” bước ra. Im lặng như tảng đá, ngẩng đầu nhìn tấm biển “Chính đại quang minh” treo lơ lửng sau lưng tri châu.
Rồi người thứ hai, người thứ ba… lần lượt đứng ra.
Căn đường đường vốn không nhỏ, chốc lát đã đầy kín lính cũ năm xưa.
Muốn ch.ết, thì cùng nhau mà ch.ết đi.
Năm ấy cố gắng sống sót, chỉ mong giữ được một chút công đạo cho hồn phách những người đã khuất. Nhưng nào ngờ, chữ “công đạo” kia, lại chỉ là thứ được viết trên giấy, khắc trên bia đá, treo nơi miệng những kẻ khoác áo mũ chỉnh tề, như từng tảng đá khổng lồ đè trên lưng họ, khiến họ mệt đến chẳng còn hơi sức kêu than.
Cuối cùng, tất cả cũng chỉ đành mặc nhiên thừa nhận:
Đó chính là công đạo.
Không phải “công” trong công bằng, mà là “công” trong chư công quyền quý.
Tri châu bật cười.
Ông ta gật đầu:
“Các ngươi là muốn ép quan đấy phải không?”
Ông ta vung tay áo rộng màu chu sa, quay ra ngoài gọi lớn:
“Còn ai nữa? Ai dám vì bọn họ đứng ra làm chứng, bảo đảm? Mau ra đây!”
Bách tính bên ngoài đều im lặng nhìn vào, không ai lên tiếng, nhưng cũng không có ai rời đi.
Ta khẽ bước lên một bước.
Sau lưng, một bàn tay níu chặt lấy ta.
Là Triệu ma ma. Bà rơi nước mắt, khẽ lắc đầu.
Ta khẽ vỗ lên mu bàn tay bà.
Xưa kia, hắn luôn che chở cho ta.
Ta mơ hồ nhớ lại… hồi nhỏ ta nghịch ngợm, chơi đùa cố ý dẫn cả bọn bỏ mặc chàng trong hang núi tối om, hay khi bị kẻ buôn người bắt đi, ta chỉ lo bỏ chạy trước, để mặc hắn bị thương nằm lại.
Đến sau này ra chiến trường, rõ ràng hắn cũng bị điều đến Ngọc Châu, từng lén lút tìm đến gặp ta mấy lần, đem số bạc ít ỏi tích góp mua cho ta trâm hoa, điểm tâm quý.
Mà ta, chỉ biết chạy theo Diêu Tông Sách, chê hắn thô lậu, không một lần đoái hoài.
Ba mươi năm chinh chiến, lúc hắn cùng quân sĩ giãy giụa giữa lằn ranh sinh tử, ta lại mù mịt không hay, dốc lòng đi cứu một người khác.
Thế mà hắn chưa từng trách ta.
Hắn nói, ta có nỗi khổ riêng.
Trong ánh mắt đẫm lệ của Triệu ma ma, ta cúi đầu, giọng nghẹn ngào:
“Ma ma à, ta đã bỏ rơi chàng không biết bao nhiêu lần… không thể để chàng một mình nữa.”
Lần này, ta có thể buông bỏ tất cả…
Chỉ để trả lại cho hắn một chữ công đạo.
Ta buông tay ma ma, từng bước, từng bước bước ra giữa điện đường.