Dao Nương xấu xí - Chương 1
Phu quân vừa mới đỗ cử nhân, liền muốn rước nàng kỹ nữ tên Như Yên ở Xuân Phong lầu về làm bình thê.
Hắn bảo chỉ có nàng ấy mới khiến hắn cảm thấy mình là một nam nhân chân chính.
Về sau, ta tái giá, gả cho một người thợ săn cùng làng, nhanh chóng hoài thai.
Không còn ta vất vả kiếm tiền, cả nhà phu quân cũ rối ren như rắn mất đầu.
Phu quân cũ lại đến khóc lóc van xin, mong ta quay về, trở lại làm cử nhân nương tử.
Ta hất tay hắn ra, nói rằng:
“Thợ săn vai rộng eo thon, cường tráng hữu lực, có cho ta làm phu nhân của Trạng nguyên ta cũng chẳng đổi!”
1
Hôm nghe tin Phó Sung vừa đỗ cử nhân, ta đang ngồi quay cối xay đậu.
Không khí vừa ẩm ướt vừa oi nồng, mồ hôi nhỏ giọt. Tóc tai của ta ướt nhẹp bết lại hai má, che khuất vết bớt tím bầm trên mặt ta.
Tin mừng vừa được hàng xóm truyền sang, thì Phó Sung đã đẩy cửa bước vào.
Mặt hắn đỏ phừng phừng, ngập ngừng mãi mới cất tiếng: hắn muốn cưới kỹ nữ Như Yên ở Xuân Phong lâu về làm thê tử.
Tay ta khựng lại giữa chừng, tưởng chừng tai nghe lầm.
Hắn cúi đầu, giọng nhỏ như muỗi kêu:
“Ta muốn chuộc thân cho nàng ấy… rước nàng ấy về làm bình thê.”
Tim ta như bị cối xay đá nện trúng, đau đến không thở được.
Ta chưa từng nghĩ, có ngày phu quân ta lại mở miệng cầu cưới một kỹ nữ.
Phó Sung mặt mày tuấn tú, dáng người dong dỏng, tính tình ôn hòa, là kẻ đọc sách tay không dính nước lã, khác hẳn những nam nhân xung quanh ta.
Còn ta, tự biết mình xấu xí – da trắng dáng gầy, nhưng mặt có vết bớt đáng ghét, từ nhỏ đã khiến ta tự ti.
Ta thầm mến hắn từ thuở thiếu thời.
Biết mình không xứng, ta ngày ngày mang đậu phụ sang nhà hắn, hầu hạ cả nhà hắn ăn uống.
Bao năm không ngừng cố gắng, hắn mới chịu cưới ta.
Khi ấy hắn mới là đồng sinh.
Ngày thành thân, hắn dắt con lừa, ta ngồi sau lưng lừa, lấy khăn đỏ làm khăn trùm, không sính lễ, không đón dâu.
Trong lòng ta còn giấu ít bạc tự tích cóp từ việc bán đậu, cứ thế mà gả vào nhà hắn.
“Kết tóc làm phu thê, ân ái không thay đổi.”
Sau khi thành thân, ta sớm hôm vất vả, xay đậu bán đậu, hầu hạ mẹ chồng em chồng, để hắn yên lòng đọc sách, không vướng bận chuyện đời.
Ta còn ngày ngày mang đậu đến cho vị đại nho ẩn cư ở quê, nắng mưa không quản, ròng rã nửa năm mới được ông ta thu nhận hắn làm đệ tử.
Gả cho hắn là nguyện ước cả đời của ta, dù khổ nhọc thì ta cũng thấy ngọt ngào.
Ba năm sau, hắn đỗ tú tài.
Hắn ôm lấy ta, thề sẽ cho ta làm quan gia nương tử, sống những ngày tháng an nhàn, chẳng còn vất vả vì làm đậu phụ nữa.
Ta nghe mà lệ tràn mi mắt.
Ta không ham gì danh vị quan gia nương tử, chỉ mong ngày qua ngày yên ổn, phu thê đầu bạc răng long là đủ rồi.
Lại ba năm sau, hắn lên tỉnh ứng thí thi hương.
Ta thương hắn vất vả, cắn răng bán cả con lừa kéo cối để có đủ lộ phí cho hắn.
Khó khăn trăm bề mới chờ được tin đỗ cử nhân, ta còn chưa kịp vui mừng, thì hắn đã vội mở miệng đòi cưới người khác.
Ta nghẹn lời, nước mắt tuôn ra như suối.
Muốn lăn ra đất mà chửi hắn mất hết lương tâm, nhưng rồi lại thôi.
Mắng chửi thì được gì? Hắn đã là cử nhân, nửa bước chân vào chốn quan trường.
Còn ta, chỉ là phụ nhân xấu xí bán đậu phụ.
Ta nghẹn ngào nửa buổi, chỉ hỏi một câu:
“Vì sao?”
Phó Sung ngẩng đầu nhìn ta, ánh mắt sáng lên – nhưng không phải vì ta:
“Chỉ có Như Yên, mới khiến ta làm trượng phu chân chính.”
2
Nếu nói Phó Sung có chỗ nào không được, thì chính là… hắn không giỏi trong chuyện viên phòng.
Khi mới gả, ta cũng là thiếu nữ chưa trải sự đời, nhưng dần dà mới phát hiện có điều kỳ lạ.
Một hôm ta ra sông giặt áo, bà Vương hàng xóm cười hì hì thì thầm bên tai:
“Dao Nhi à, lấy được Phó lang quân tuấn tú thế kia, đêm ngủ chắc ngươi cười không nhắm mắt được nhỉ?”
Ta đỏ bừng mặt, ngượng đến chẳng biết trả lời ra sao.
Bà ấy còn nhéo eo ta một cái:
“Mới cưới, chẳng lẽ đêm nào hắn cũng không khiến ngươi mềm nhũn cả người?”
Ta bối rối, trong đầu chỉ nghĩ… không phải nhắm mắt lại, mở mắt ra là xong rồi sao?
Sau vài lần nghe đám tân nương trong làng líu ríu kể chuyện, ta mới biết: Phó Sung, thật sự không được.
Hồi mới cưới còn có đôi lần gần gũi, sau thì ngày một thưa thớt.
Ta cũng không để chuyện đó trong lòng.
Hắn bảo: “Nữ nhi ham mê chuyện ấy là không biết liêm sỉ.”
Hắn đọc nhiều sách, chắc chắn nói chẳng sai.
Bao năm qua, ta vẫn chưa sinh được đứa con nào.
Mẹ chồng hễ thấy mặt ta là đen như đáy nồi, còn nói ta là “gà mái không biết đẻ.”
Ta từng khóc, từng muốn đi khám thầy thuốc.
Hắn ngăn lại, nói hắn không chê ta, cứ để mọi việc “thuận theo tự nhiên.”
Giờ đây cái “thuận theo tự nhiên” ấy, lại là để hắn và một kỹ nữ cùng đơm hoa kết quả.