Dao Nương xấu xí - Chương 3
8
Nhà họ Thôi vốn là dòng dõi thợ săn, Thôi lão gia là tay săn nổi danh mười dặm thôn làng, tuy gia cảnh chẳng thể gọi là giàu có, nhưng trong nhà chưa bao giờ thiếu thịt ăn.
Thôi thẩm thương yêu con gái, nhưng trời lại chỉ ban cho một đứa con trai – Thôi Tiêu.
Nhà họ Thôi ưa thích món đậu phụ ta làm.
Thuở còn bé, mỗi lần ta đem đậu phụ đến giao, Thôi thẩm đều lén nhét cho ta miếng thịt thỏ hay đùi nai mang về.
Thôi Tiêu lúc nào cũng mặt lạnh như tiền, chưa từng nói với ta một câu, thế nhưng lần nào cũng phải đợi ta ăn xong mới chịu để ta về.
Hắn biết, một khi về nhà, ta sẽ chẳng được ăn no.
Thôi thẩm chưa từng chê trách vết bớt trên mặt ta, ngược lại còn nói ta da trắng sạch sẽ, nụ cười cong cong ánh lên mắt như trăng non, nhìn là biết có phúc.
Một lần Thôi lão gia đi săn gặp nạn, chẳng bao lâu thì qua đời.
Hôm đưa tang, cha mẹ ta sợ tốn bạc, không chịu đi. Ta đành lén ôm một khối đậu phụ lớn, một mình đến nhà họ Thôi.
Thôi Tiêu với dáng người nhỏ thó đứng sừng sững giữa sân, một thân áo tang trắng toát, lưng thẳng tắp, vững vàng đỡ lấy thân mẫu đang gào khóc, chẳng khác gì chiếc lá héo mỏng manh mà vẫn cứng cỏi giữa cơn gió mạnh.
Gương mặt hắn căng cứng, mắt hoe đỏ, nhưng vẫn cắn chặt môi nhịn nước mắt không cho rơi.
Ta đứng nhìn hắn, trong lòng bỗng thấy, thiếu niên ít lời ngày nào đã trưởng thành rồi.
Từ đó về sau, nhà họ Thôi lâu ngày chẳng còn đến mua đậu phụ.
Cho đến một ngày, Thôi Tiêu khoác lên vai cung tên và đao săn của phụ thân, chính thức nối nghiệp thợ săn.
Hôm ấy, hắn thẳng bước đến trước sạp đậu phụ của ta, quẳng con thỏ rừng dưới chân, nhướng mày giả bộ bình thản nói:
“Ta săn được đấy.”
Khóe môi khẽ nhếch, vành tai ửng đỏ, rõ là đang vui mừng mà cố che giấu.
Hắn chẳng đợi ta đáp lời, tiện tay nhón lấy một miếng đậu phụ rồi sải bước rời đi.
Từ đó trở đi, Thôi Tiêu vẫn kiệm lời như xưa, có lúc vứt chút thịt rừng trước sạp, đổi lấy mấy khối đậu phụ, giữa ta và hắn chẳng nói thêm được mấy câu.
Về sau, khi ta toàn tâm toàn ý vì Phó Sung, thì cũng chẳng còn gặp lại Thôi Tiêu nữa.
Chỉ có Thôi thẩm là thỉnh thoảng vẫn ghé qua sạp đậu phụ trò chuyện dăm câu, lời lẽ chẳng thiếu oán thán.
“Nó lớn tướng rồi mà vẫn chưa cưới vợ, nói gì đến chuyện sinh con.
“Nó đi săn giỏi hơn cả lão gia, trong nhà cũng khấm khá hẳn lên, ai lấy nó thì sướng biết chừng nào.
“Mà mấy bà mối trong mười dặm thôn làng ta nhờ cả rồi, thế mà thằng q.u.ỷ này lại chẳng coi cô nương nhà ai ra gì.
“Cha nó mất sớm, nó lại là con một, nó cứ thế này thì mai sau ta còn mặt mũi nào xuống dưới gặp tổ tiên?”
Nói rồi, Thôi thẩm đưa tay che mặt, rấm rứt khóc.
Ta chỉ đành an ủi bà: “Duyên chưa đến, miễn cưỡng cũng không được đâu mà.”
Lần này, Thôi Tiêu đi săn vấp ngã trẹo chân, không tiện ra ngoài, nói là thèm đậu phụ nên mới nhờ ta mang đến.
9
Ta mang đậu phụ đến gõ cửa, chẳng thấy ai đáp lại. Chắc là Thôi thẩm không có nhà.
Một lúc sau, từ trong nhà truyền ra giọng trầm khàn:
“Cửa không khóa, vào đi.”
Ta đẩy cửa bước vào, bên trong vẫn giản dị, sạch sẽ như mấy năm trước.
Thôi Tiêu nửa nằm trên giường, thấy ta đến thì vội ngồi dậy.
Ta vội xua tay: “Đừng dậy, nằm nghỉ đi.”
Mặt hắn thoáng đỏ lên vì ngượng, khẽ chỉnh lại chăn rồi nằm xuống.
Ta đặt đậu phụ lên bàn, nghiêng đầu lặng lẽ nhìn Thôi Tiêu vài lần.
Lúc này mới nhận ra, hắn đã chẳng còn là thiếu niên gầy gò năm nào. Giờ đây, hắn là một nam nhân trưởng thành, đường nét góc cạnh, làn da rám nắng, một thân hình vững chãi, chỉ khoác tấm áo vải thô mà vẫn lộ rõ sức lực rắn chắc, hoàn toàn khác hẳn với dáng người nho nhã yếu đuối của Phó Sung.
Có lẽ vì ánh mắt ta quá rõ ràng, Thôi Tiêu khẽ gãi đầu, lúng túng nói:
“Mấy hôm nay không lên núi, chẳng có con mồi. Trong tủ còn bạc, nàng lấy tiền đậu phụ đi.”
Ta giật mình hoàn hồn, vội dời ánh mắt, tự trách mình sao lại đem hắn ra so với Phó Sung.
Ta ho nhẹ che giấu lúng túng:
“Thôi đi, mấy món thịt rừng huynh đem tới còn quý hơn đậu phụ nhiều.”
Hắn vẫn kiên trì:
“Cứ cầm lấy đi. Lần sau còn phải nhờ nàng mang đến nữa.”
Ta biết hắn từ nhỏ đã ít nói, nhưng tính tình thì ương ngạnh, nên thôi không cãi.
Ta lấy ba đồng tiền, đang định ra cửa thì gặp Thôi thẩm quay về.
Thôi thẩm thấy ta, đầu tiên sững lại, rồi liếc sang Thôi Tiêu, rất nhanh nở nụ cười tươi rói.
“Dao Nhi đừng đi vội, ở lại ăn cơm.”
Bà giơ hai con cá chép nhỏ trên tay:
“Thẩm làm cá nấu đậu phụ cho con ăn!”
Đẩy qua đẩy lại một hồi, kết quả là ta không chỉ lấy được tiền đậu phụ, mà còn ăn không món canh cá đậu phụ thơm lừng.
Một nồi canh nóng hổi bốc hơi nghi ngút, cả căn nhà như ấm lên hẳn, bầu không khí thật đỗi dễ chịu.
Thôi Tiêu gắp một miếng đậu phụ, lẩm bẩm cảm thán:
“Vẫn là đậu phụ Dao Nương làm ngon nhất.”
Vừa nói xong, hắn lập tức nhận ra không ổn, mặt đỏ bừng, lắp bắp:
“Không, ý ta là… Dao Nương làm… đậu phụ, ngon nhất.”
Ta bật cười, thầm nghĩ trong lòng:
“Thật là một tên ngốc”.
10
Hôm ấy, ta đang bày hàng ngoài phố, từ xa đã nghe tiếng trống, tiếng kèn, tiếng nhạc rộn ràng, tựa hồ có đám rước dâu.
Khi đội ngũ rước dâu tới gần, ta mới trông rõ người khoác hỷ phục đỏ rực, ngồi trên lưng ngựa cao to chính là Phó Sung.
Phía sau là một cỗ hoa kiệu kết bằng lụa ngũ sắc rực rỡ, bên trong hẳn là tân nương Như Yên của hắn.
Lần này, Phó đại cử nhân nghênh thân, thanh thế so với năm đó cưới ta quả thực lớn gấp bội.
Bà con lối xóm túa ra xem náo nhiệt, đội rước dâu càng đi càng chậm, tiếng kèn vang vọng đến nhức óc.
Ta vốn định thu dọn rời đi, tránh cho khỏi chạm mặt, nào ngờ lại bị mấy bà già lắm chuyện trông thấy.
Một bà vốn thân thiết với mẫu thân Phó Sung kéo giọng the thé hô lên:
“Ôi chao, chẳng phải là Dao Nương bị bỏ rồi sao? Nay Phó đại cử nhân cưới được một tân nương dung nhan như hoa, phu nhân nhà cử nhân giờ đâu còn phần của ngươi nữa, thật đáng thương thay!”
Đám đông cười ầm lên. Ta mặt lạnh như sương, đáp:
“Rõ ràng gả từ Xuân Phong lâu về Phó gia không hề phải đi ngang qua phố này, nếu không ngại mất mặt thì cũng đừng vòng tới tận hàng tàu hũ của ta.
Hay là sợ thiên hạ quên mất cái thói bội bạc vong ân của Phó cử nhân rồi?”
Trong đám người lập tức có kẻ phụ họa:
“Ngày trước, nàng bán đậu hũ nuôi sống cả nhà Phó cử nhân, cuối cùng hắn mới có thể đỗ đạt công danh. Nay đã hòa ly, lại còn mang tiếng qua cầu rút ván, quả chẳng sai chút nào.”
Bà già kia mặt mày tức tối, mồm năm miệng mười la lên:
“Chẳng phải tại ả không sinh được con thôi sao? Trách ai được?”
Ta nhìn thẳng bà ta, bình thản nói:
“Đại nương nếu rảnh đến mức đi nói xấu người ta, chi bằng quay về xem thằng cháu yêu quý của mình. Ta mới thấy nó ôm bọc lén lút tới tiệm cầm đồ đấy. Chắc lại đổi lấy bạc đi đánh bạc rồi? Sinh ra đứa cháu như thế, chẳng bằng sinh miếng thịt còn hơn.”
Lời vừa dứt, mặt bà già kia xanh trắng lẫn lộn, giận dữ xông đến toan đánh ta.
Chưa kịp phản kích, bà ta đã bị một bàn tay to khỏe xách bổng lên, ném thẳng xuống đất.
Ngẩng đầu nhìn, ta thấy Thôi Tiêu chen qua đám đông, sải bước như hổ, thân hình vững chãi như núi che chắn trước mặt ta.
Hắn rút dao săn, một nhát cắt ngang cổ con gà rừng trong tay, m.á.u tươi phun xối xả lên mặt bà già kia.
Mùi tanh nồng bốc lên, bà ta gào như bị chọc tiết:
“Ngươi làm gì thế hả?!”
Thanh âm nam tử trầm ổn, không gợn sóng:
“Tưới huyết gà, trừ ôn thần.”
Giữa lúc hỗn loạn, một bóng người trong hỷ bào đỏ cũng chen vào.
Phó Sung trừng mắt nhìn ta với Thôi Tiêu, trong mắt rõ ràng có hoang mang, còn có chút giận dữ.
Hồi lâu, hắn mới cúi đầu, thấp giọng nói với ta:
“Là mẫu thân và Như Yên cố tình muốn đi ngang qua đây, không phải ý ta…”
Trong lòng ta chỉ thấy nực cười, chẳng buồn đáp.
Bên kia, tiếng trống nhạc đã ngừng, từ trong kiệu vọng ra vài tiếng ho khẽ, nghe rõ là cố tình.
Phó Sung sắc mặt biến đổi, vội thúc giục đội rước dâu tiếp tục, nhanh chóng lên ngựa, bỏ đi.
Trước khi đi, hắn vẫn không ngừng ngoái đầu nhìn lại.
Thôi Tiêu liền bước lên một bước, chắn hẳn tầm nhìn của hắn.
Mặt trời chói lọi, ta ngẩng đầu nhìn khuôn mặt nghiêng của Thôi Tiêu dưới ánh dương, phản chiếu ánh vàng rực rỡ, lóa đến mức ta không mở nổi mắt, nước mắt cũng bị chói mà trào ra.
11
Chưa được mấy ngày, đại nho Mạc tiên sinh liền tìm đến ta, nói muốn thu ta làm môn sinh.
Trước đó, ta đã thay Phó Sung nộp một năm học phí.
Mạc tiên sinh nói, nay ta và hắn đã hòa ly rồi, khoản tiền ấy không nên để hắn hưởng. Đáng ra nên hoàn lại cho ta, nhưng Mạc tiên sinh đã tiêu hết để mua rượu, nên không còn nữa.
Nhắc đến đây, Mạc tiên sinh có phần áy náy, vuốt vuốt chòm râu bạc:
“Ta thấy ngươi là người có thể rèn thành khí, có thể đến học với ta. Thiên hạ rộng lớn, ta đều có chút hiểu biết, môn gì cũng dạy được, quyết chẳng để ngươi thiệt thòi.”
Ta vốn biết Mạc tiên sinh là bậc học vấn uyên thâm, lại không chê ta là nữ nhi, dốt kém, đương nhiên là cầu còn chẳng được.
Chỉ là, có một việc khiến ta lưỡng lự.
Ta sợ lên học đường sẽ gặp lại Phó Sung.
Đã dứt, thì phải dứt cho sạch, không dây dưa, chẳng mập mờ.
Thấy vẻ ngập ngừng của ta, Mạc tiên sinh liền hiểu ngay, vội vã nói:
“Ngươi cứ yên tâm, Phó Sung sẽ không đến học đường nữa. Hắn không có tiền đóng học phí.”
Sắc mặt tiên sinh đầy chán ghét:
“Dẫu có tiền, thì loại người bạc tình vô nghĩa như hắn, ta cũng chẳng thèm dạy. Đức chẳng xứng với danh, sao có thể gánh vác trọng trách thiên hạ.”
Từ đó, ta ngày ngày học chữ, theo Mạc tiên sinh đọc sách thánh hiền, như kẻ khát nước uống từng giọt tinh túy của tri thức. Mỗi lời khai thị, tựa như sấm sét giữa trời quang, khiến tâm trí ta bừng sáng.
Nếu nữ nhi trong thiên hạ đều được đặt chân tới học đường như ta, thì tốt biết bao.
…
Ta bận rộn cả ngày, chân không chạm đất, chuyện thiên hạ ta chẳng buồn nghe, cũng không muốn biết.
Gần đây, Thôi Tiêu hình như nghiện ăn đậu hũ, suốt ngày đem sơn dã sản vật đến đổi.
Về sau, hắn lại xách theo thỏ rừng, gà rừng tới, ta cũng chẳng nhận, chỉ bảo:
“Gần đây ta bận, chẳng rảnh tay làm thịt thú rừng được. Muốn ăn thì cứ lấy mà ăn.”
Thôi Tiêu ngẩn người, ánh mắt như có điều suy nghĩ.
Từ hôm ấy trở đi, hắn không mang thú rừng đến nữa.
Mà thay vào đó… là món ăn đã được nấu chín.
Hôm thì thỏ xào cay, hôm thì gà rừng ninh nhừ, hôm lại là thịt nai kho đậm đà… món nào cũng thay đổi từng ngày, chẳng lặp lại.
Ta ăn đến mức ngại ngùng.
Hôm ấy, hắn vừa đặt đĩa chân gấu hấp xuống, ta nghiêng đầu nhìn hắn: “Ăn đậu hũ chưa ngán à?”
Tay hắn đang định với miếng đậu hũ bỗng khựng lại, nhỏ giọng nói: “Không… không ngán.”
Lời thì phủ nhận, nhưng giọng thì rõ là thiếu tự tin.
“Người bình thường, ai lại ngày nào cũng ăn đậu hũ?”
Hắn cứng cổ đáp: “Ta thích ăn đậu hũ, không được à?”
Ta khẽ thở dài. Hắn, đúng là miệng thì cứng, lòng thì mềm.
“Đừng mang đồ ăn tới nữa, phiền tới Thôi thẩm.”
Thôi Tiêu bỗng tươi hẳn lên, mắt cười thành một đường chỉ: “Toàn ta nấu cả! Ngon không?”
Thấy hắn cười như hài tử, rạng rỡ mà chân thành, lòng ta chợt đập sai một nhịp.
Ta đâu phải kẻ ngốc, há chẳng hiểu tình ý hắn dành cho ta?
Chỉ là, một lần bị tổn thương quá nặng, lòng ta chưa thể lại dám trao đi.
Hiện tại của ta thật tốt, thanh bình, yên ả, tâm không loạn, lòng không vướng – chẳng cần bước thêm một bước nào nữa.
Ta quay đầu, tránh ánh mắt hắn, cố ý lạnh nhạt: “Ta không thích ăn thịt rừng.”
Thôi Tiêu ngẩng mắt nhìn ta, đáy mắt đen thẳm phản chiếu sự quyết tuyệt của ta.
Hắn lặng lẽ cúi đầu, cả người u ám như tro tàn.
“Ta biết rồi.”
…
Từ hôm đó, Thôi Tiêu chẳng còn tới nữa.
Cho đến đêm ấy.
Ta vừa gấp sách, chuẩn bị thổi đèn ngủ, thì tiếng gõ cửa dồn dập vang lên giữa đêm đen, khiến tim ta đập thình thịch.
Là Thôi thẩm.
Thôi Tiêu lên núi săn thú, trời tối mịt vẫn chưa về. Thôi thẩm lo lắng tới phát khóc, chẳng biết nhờ cậy ai, đành tìm đến ta.
Thôi thẩm sợ hắn gặp chuyện như lão gia ngày trước…
Không một lời, ta thu xếp ổn thỏa rồi cầm đèn, mang theo dao rừng, lập tức lên núi.
Đêm sâu thẳm, đường núi gập ghềnh, mỗi bước đi như dẫm lên lo âu trong tim ta. Trong đầu ta lại hiện lên ánh mắt u uất hôm ấy của hắn – đầy thất vọng, đầy cô tịch.
Ta thấy giận chính mình, nếu đó thực sự là lần cuối gặp mặt, để hắn ra đi với vết thương lòng do chính ta gây nên, thì cả đời này ta không thể tha thứ bản thân.
Đêm rừng như mực, đèn trong tay run rẩy trước từng cơn gió núi, tiếng dã thú hú vang xa xa.
Tim ta trĩu nặng, cảm giác ấy… là một nỗi sợ sâu trong tâm can.
Tới một khoảng rừng vắng, ta mới thấy Thôi Tiêu.
Hắn nằm trong vũng m.á.u, quanh là xác mấy kẻ áo đen.
Ta mềm nhũn chân, ngã nhào tới bên hắn.
Tay run rẩy dò hơi thở, đến cả ngón tay cũng chẳng điều khiển nổi.
Bất chợt, một giọng yếu ớt mà lạnh lùng vang lên:
“Hắn ch.ết rồi… vì cứu ta.”
Dưới ánh đèn mờ mịt, ta tìm ra người vừa cất tiếng – một nam tử ăn mặc hoa mỹ, tựa vào thân cây, máu loang cả vạt áo.
Hắn cũng nhìn về phía ta.
“Ngươi hẳn là nữ nhân trong lòng hắn, người mà hắn nói lòng như sắt đá.”
Nam tử khẽ thở dài:
“Hắn nói hắn yêu một người chẳng hề để tâm tới mình, chi bằng ch.ết cho rồi, cho nên mới liều mình vì ta.”
Lệ trong mắt ta ào ạt tuôn ra.
“Ta… hắn… sao hắn biết trong lòng ta không có hắn…”
Nam tử cười nhạt:
“Giờ người ch.ết rồi, ngươi có tình cảm thì cũng vô ích.”
Lòng ta quặn đau, như bị bóp nghẹt. Ngay cả khi hòa ly với Phó Sung, ta cũng chưa từng đau đến thế.
Ta nhào vào người Thôi Tiêu, nước mắt rơi không ngừng: “Lỗi của ta… là do ta đến trễ…”
Đột nhiên, cổ tay ta bị nắm chặt, siết tới đau.
“Không trễ.”
Ta còn vương lệ nơi mi, ngẩng đầu thấy Thôi Tiêu khẽ cười, ánh mắt lấp lánh như sao đêm.
Nam tử bên cạnh không nhịn được, ôm bụng cười nghiêng ngả:
“Không ngờ trò vặt thế này mà lại hữu hiệu đến vậy. Đúng là lo lắng thì rối trí.”
Ta biết mình bị lừa, vừa thẹn vừa giận, muốn rút tay lại mà không rút nổi.
“Ngươi cũng chẳng thành thật gì.”
Tức quá, ta đấm vào ngực hắn một cái.
Ai ngờ đụng trúng vết thương, hắn đau đến nhe răng trợn mắt, tay cũng vội buông ra.
Ta hốt hoảng, lại nắm lấy áo hắn dò xét.
Hắn nhìn ta, ánh mắt nóng rực:
“Ta đã để lỡ một lần, tuyệt chẳng để lỡ lần thứ hai.”
Nói rồi kéo mạnh ta vào lòng. Ta sợ đụng vào vết thương, chẳng dám động đậy.
Cảm giác ấm áp từ người hắn xuyên qua áo, len lỏi từng tấc da thịt.
Hơi ấm đến mức, ta… không muốn rời đi.
14
Đêm hôm ấy, người được Thôi Tiêu cứu chẳng phải ai xa lạ, chính là đương kim Thái tử. Ngài vi hành cải trang, chẳng may bị kẻ gian ám sát.
Trước khi lên đường trở lại hoàng cung, Thái tử tháo ngọc bài tùy thân tặng Thôi Tiêu, nói rằng:
“Ngày sau tất sẽ hậu tạ trọng ân.”
Làng xóm đều nói Thôi Tiêu vận khí tốt, cứu được quý nhân.
Nhưng ta biết rõ, dẫu người kia chỉ là ăn mày, hắn cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn.
Chẳng bao lâu sau, cùng với thánh chỉ ban hôn là mấy chục xe sính lễ đầy vàng ngọc.
Thái tử nói:
“Phải khiến hôn lễ của ân nhân rực rỡ hơn người, vinh quang hiển hách.”
Thôi thẩm cảm tạ rối rít, nắm tay ta lệ tràn khóe mắt:
“Có thể cưới được Dao Nương, nhi tử nhà ta thật có phúc lớn.”
Mạc Tiên sinh là người tinh thông thuật Dịch số, hễ gặp ai cũng nói ta là người mệnh vượng phu vượng gia, hữu phúc chi nhân.
Thái tử còn phái đám cung nhân chuyên lo liệu chuyện cưới gả cho ta và Thôi Tiêu.
Một vị nữ y quan dung mạo như họa cẩn thận xem xét vết bớt trên mặt ta, lắc đầu không ngớt.
Thôi Tiêu thấy vậy tưởng nàng lo lắng không chữa được, sợ ta thương tâm, liền nắm tay ta nói:
“Ta thấy vết bớt này không sao cả đâu, không cần trừ bỏ.”
Nữ y quan mỉm cười, khóe mắt cong cong như trăng non, mở chiếc rương gỗ lớn đầy ắp bình lọ:
“Vội gì? Ta đâu nói là không trị được. Thái tử có chỉ, nếu không chữa lành, thì không cho ta hồi cung.”
Một a hoàn bên cạnh cười trêu: “Nếu tỷ không về cung, vị trí Thái tử phi biết trao cho ai đây?”
Nữ y quan thoắt đỏ mặt, lườm nàng kia một cái, gương mặt như đào hoa tháng ba.
Lại thêm một đoạn chuyện thú vị nữa rồi.
Nàng nghiêm giọng nói:
“Ta nhìn kỹ, vết trên mặt cô nương không phải là bớt, mà là vết phỏng thuở nhỏ không được trị kịp thời.”
Thôi Tiêu nghe xong, liền siết chặt tay ta, giọng khẽ khàng đầy xót xa:
“Về sau có ta, tuyệt đối không để nàng chịu khổ.”
Ta lại nhớ tới mấy hôm trước, phụ mẫu tham lam sính lễ, mặt dày mò đến:
“Mẫu thân đã sớm nói ngươi có mệnh phú quý, không làm cử nhân phu nhân thì cũng lấy được người tốt hơn.
“Sính lễ chúng ta chỉ xin một nửa thôi, để lo cưới vợ cho đệ ngươi, cũng coi như chẳng uổng công nuôi ngươi bao năm.”
Ta điềm nhiên nói:
“Vậy thì xem như đã uổng công thật rồi.”
Từ lúc còn bé xíu, ta đã phải nấu cơm cho cả nhà, mùa đông tay ngâm trong nước giá lạnh giặt áo quần, xuân hạ thu đông không ngày nào ngơi nghỉ với những xe tàu hũ chở đầy.
Ân sinh dưỡng, ta đã trả sạch.
Những khổ cực thời thơ bé, có chuyện ta đã quên, có chuyện ta chẳng buồn nhớ lại. Nay nghĩ tới cũng chỉ thêm phiền.
Số sính lễ mà họ thèm muốn không có được, mới thật khiến tâm can họ đau như khoét thịt.