Lang Hối - Chương 1
Ta là thê tử kết tóc khi Bùi Chiêu còn lưu lạc nơi dân gian.
Các mệnh phụ Yến Đô đều cười nhạo ta. Bởi vì lúc ta mới vào phủ, khoác trên mình một thân áo vải thô sơ, không biết kim sa gấm lụa là gì.
Khi ấy ta chỉ biết cúi đầu thật thấp, tay chân luống cuống, chỉ nghe trên đài cao vang lên lời Bùi Chiêu:
“Thê tử của ta quê mùa vụng về, khiến các vị chê cười rồi.”
Một lời của hắn, ta liền trở thành vị phu nhân vô danh vô phận của Yến vương.
Về sau, hắn chinh chiến khắp nơi, công lao hiển hách.
Nghe đâu có nhà quyền quý ở Giang Đông nguyện đem mười tòa thành làm sính lễ, để gả nữ nhi nhà họ cho Bùi Chiêu.
Cũng nghe người ta kể chuyện hắn vì một hồng nhan mà nổi trận lôi đình, vạn dặm nghìn quân truy đuổi, liên tiếp công phá ba thành.
Đến khi Yến Đô đại loạn, hắn ở Giang Đông cưới nữ nhi nhà quyền quý, trong tay nắm giữ năm mươi vạn đại quân.
Còn ta bồng bế con thơ chạy trốn vạn dặm, đến cơm ăn áo mặc cũng không đủ.
Khó khăn lắm mới đến được biên giới Giang Đông, ta lại buông bàn tay nhỏ bé của đứa trẻ năm tuổi đang nắm chặt tay ta.
“Mẫu thân thô kệch, không xứng làm thê tử của phụ thân con.”
“Đợi con vào vương thành, chúng ta từ nay không cần gặp lại nữa.”
1
Ngày rời khỏi Yến Đô, lửa lớn ngút trời.
Ta dắt theo con trai bốn tuổi, Bùi Chấp, liều ch/ết để tìm đường thoát thân.
Chúng ta từ mật đạo rời khỏi cổng thành, trên đường bị truy sát không ngừng. Từng người thân tín đều ch.ết hết, mới chật vật đến được địa giới Giang Đông.
Ta chỉ tùy ý hỏi một bà lão ở cổng thành, đã biết được tin Bùi Chiêu sắp thành thân với tiểu thư nhà quyền quý ở Giang Đông rồi.
“Vương hầu với quý nữ, đây mới là lương duyên trời định. Chỉ là tiểu thư hào môn, sao có thể cam tâm làm thiếp của Yến Vương?”
“Nghe nói Yến Vương sớm đã có chính thê. Nhưng mà từ sau trận đại hỏa ở Yến Đô, phu nhân Yến Vương đã ba tháng không rõ tung tích. Lần này Yến Vương cưới quý nữ, tất nhiên là sẽ dùng lễ nghi của chính thê.”
Khi ấy, ta vẫn còn nắm chặt tay Bùi Chấp.
Cuối cùng, ta cũng hiểu rõ mưu kế của Bùi Chiêu.
Thiên hạ đại loạn, Bùi Chiêu anh tài xuất chúng, khiến chư hầu nơm nớp lo sợ.
Thế nên khi Bùi Chiêu dẫn binh đi xuống phía Nam, bốn phương chư hầu thừa cơ tấn công, đột ngột vây khốn Yến Đô.
Ta đợi chờ Bùi Chiêu đến cứu viện, không ngờ thứ Bùi Chiêu muốn lại là lấy ta và nhi tử làm mồi nhử, dẫn hổ rời núi, thừa dịp công phá vương đô của chư hầu, tranh đoạt thiên hạ.
Ta đã làm mồi nhử, như vậy thì chỉ khi ta ch.ết, hắn mới có thể danh chính ngôn thuận cưới tân phu nhân.
Nhìn Bùi Chấp với đôi mắt trong veo, ngũ quan đã phảng phất dáng dấp của Bùi Chiêu, mới chỉ năm tuổi nhưng đã có khí phách của phụ thân nó.
Trong thoáng chốc, ta chợt thấy tính mạng của mẫu tử ta đều phụ thuộc vào quyết định của ta.
Dọc đường không ít lần bị truy sát, có lẽ trong đó cũng có ý của Bùi Chiêu muốn ta ch.ết đi chăng?
Nhớ lại bao năm phu thê, ta chỉ cảm thấy hối hận vô cùng. Đáng lẽ năm ấy bên bờ sông trước cổng làng, ta không nên cứu lấy Bùi Chiêu khi hắn bị trọng thương.
Ta cười khổ một tiếng, trong mắt chẳng còn giọt lệ nào để rơi, chỉ khiến Bùi Chấp bốn tuổi sợ đến kinh hãi.
“Mẫu thân, con sợ lắm, chúng ta khi nào mới được gặp phụ thân?”
Ánh mắt nhìn Bùi Chấp thêm một lần, ta đã hạ quyết tâm.
Ta dắt Bùi Chấp đến trước cổng thành, chỉ thấy binh lính trong thành đã đứng không xa.
Ta nhét tất cả tín vật trên người vào lòng Bùi Chấp.
“Đi vào thành tìm phụ thân con, nói với ông ấy rằng mẫu thân của con đã ch.ết rồi.”
“Hổ dữ còn không ăn thịt con, ta ch.ết thì con mới sống được.”
Bùi Chấp nước mắt như mưa, nắm chặt lấy ta, ta cuối cùng nhẫn tâm đẩy nó ra.
“Mẫu thân thô kệch, không xứng làm thê tử của phụ thân con.”
“Đợi con vào vương thành, chúng ta kiếp này không cần gặp lại.”
Dứt lời, ta chạy trốn ẩn mình trong bóng tối, tận mắt nhìn Bùi Chấp gào khóc tuyệt vọng, từng tiếng từng tiếng gọi mẫu thân.
Cho đến khi thấy binh lính, binh sĩ vương thành đều quỳ xuống xưng hô với nó là Thế tử điện hạ, ta mới hoàn toàn quay đầu rời đi.
2
Quả nhiên trên đường rời khỏi thành vẫn còn phục kích, sau nhiều phen vào sinh ra tử, ta mới chật vật thoát khỏi miệng cọp.
Khi đến bến thuyền, đang định qua sông sang Kinh Sở, ta nghe được tin Bùi Chiêu đã mang theo Bùi Chấp trở về Yến địa, suốt thời gian ấy không hề có một chút tin tức muốn tìm ta.
Trong lòng cuối cùng cũng không còn chút gợn sóng nào nữa.
“Nương tử một thân một mình, vội vã như vậy là muốn đi về đâu?”
Có một phụ nhân cùng thuyền, thân thể không hợp thời tiết nên đã sinh bệnh. Ta liền sắc thuốc dâng trà, hành huyết thông mạch cho nàng, cuối cùng chúng ta đã có một đoạn thiện duyên.
“Ta phiêu bạt khắp nơi, đã sớm không còn chốn quê nhà để trở về. Lần này phu quân mất đi, con cái tan đàn xẻ nghé, chỉ mong tìm chút sinh cơ nơi Sở địa.”
Nghe vậy, phụ nhân kia cũng rơi lệ.
“Loạn thế ly biệt, phu quân ta cũng ch.ết vì binh họa. Nếu nương tử không chê, có thể cùng ta kết bạn đồng hành.”
Vậy là ta cùng nàng đến Sở địa, tìm một căn tiểu viện, làm lại nghề y nữ của mình.
Sáng sớm lên núi hái thuốc, trưa đến thì khám bệnh, chiều tối dưới ánh trăng về nhà, gối đầu lên bóng đêm mà ngủ.
Ta an ổn ở lại Sở địa, người trong thôn đều gọi ta một tiếng Ôn nương tử.
Từ thê tử của Yến Vương trở thành một y nữ nơi sơn dã, với ta, lại là những tháng ngày bình an khó có được.
Chỉ là trong mộng đêm khuya, đôi khi cũng có những cơn ác mộng khiến ta kinh hãi tỉnh giấc.
Ta luôn mơ thấy khi lưu vong, ta cùng Bùi Chấp đói đến nỗi phải ăn vỏ cây, gặm cỏ dại. Mà Bùi Chiêu lại cùng quý nữ Giang Đông cắt tỉa đèn tân hôn, hoan hỷ đêm động phòng hoa chúc.
Trong mộng, nhi tử của khóc không ngừng, nó vừa khóc vừa gọi ta là mẫu thân. Chớp mắt một cái, lại mơ thấy Bùi Chấp dần dần lớn lên, mang dáng dấp lạnh lùng như phụ thân nó, đối với ta cực kỳ ghét bỏ.
“Ngươi không xứng làm mẫu thân của ta.”
“Mẫu thân của ta, tuyệt đối không thể là hạng người hèn kém nơi thôn dã như ngươi.”
“Nếu không phải vì mẫu thân thấp hèn, phụ thân ta sao có thể chán ghét vứt bỏ ta, phó mặc sinh mệnh của ta để ta làm mồi nhử tại Yến Đô, suýt nữa mất mạng.”
Tỉnh giấc, đầu ta đau như búa bổ. Ta đẩy cửa bước ra, dưới ánh trăng chỉ thấy một thằng bé như sói con đang lén lút chạy từ nhà bếp ra.
Đầu thằng bé kia toàn là máu, trong tay nắm lấy hai miếng bánh mỏng, đôi mắt lạnh lẽo gắt gao nhìn ta, như thể lúc nào cũng có thể xông lên mà cắn ta một cái.
Nơi đây không thiếu những đứa trẻ không nơi nương tựa, vết máu trên đầu hẳn là bị dân làng đánh khi trộm cắp.
Nhìn thằng bé sói con ấy, ta bỗng nghĩ đến Bùi Chấp.
Nỗi khổ của cơn đói đến mức bụng dán vào lưng, A Chấp của ta sớm đã từng nếm trải rồi.
Ta thở dài một hơi, dắt thằng bé vào nhà dưới ánh mắt cảnh giác của nó.
Ta lấy thảo dược băng bó lại vết thương trên đầu, sau đó đưa thằng bé ra cửa.
“Ngày mai quay lại đổi thuốc, nếu đói thì có thể đến tìm ta, không cần đi trộm cắp nữa.”
Thằng bé sói con ban đầu cắn răng bướng bỉnh, sau đó đỏ mắt, đi được vài bước lại quay đầu nhìn ta, cuối cùng đột nhiên chạy trở lại, kéo ta đến sau núi.
“Ta trộm bánh của người, nhưng không phải cho bản thân. Là tiên sinh của ta sắp ch.ết rồi, ta cầu xin người cứu tiên sinh, ta nguyện lấy mạng mình đổi lại.”
Ta chỉ thấy một nam tử mặc giáp nằm trên sườn núi, vết máu loang lổ nhuộm áo giáp bạc thành màu đen, để lộ một góc áo bào trắng.
Giống hệt như năm đó, bên bờ sông ở thôn làng, ta cứu Bùi Chiêu khi hắn đang trọng thương.
“Tiên sinh vì cứu ta mà trúng phải đao của sơn tặc, hắn là người tốt, người nhất định sẽ cứu tiên sinh mà, đúng không?”
Tiếng của thằng bé khẩn cầu, kiên quyết chặn lại bước chân ta muốn quay đi.
Ta cúi xuống, vươn tay bắt mạch cho người nọ.
Ôn Từ ơi Ôn Từ, ngươi quả thật vẫn không nhớ được bài học năm xưa.
3
Từ đó về sau, trong tiểu viện của ta có thêm một người lớn, một người nhỏ.
Đứa nhỏ không tên không họ, cũng không cha không mẹ, đành cùng ta sống tạm bợ qua ngày, ta gọi nó là Ôn Chấp An.
Ôn Chấp An lúc nào cũng làm hết việc nhà, khi thì lo trồng thuốc, lúc thì bổ củi, quét dọn nhà cửa, đun nước nấu cơm.
Ôn Chấp An miệng lưỡi lanh lợi, thi thoảng có bọn du côn vô lại đến quấy phá, nó liền xông lên trước, dù có đổ máu cũng phải cắn cho kẻ đó một miếng.
Nó bảo vệ của cải của mình, những quả dại hái từ trong núi mang đến trước mặt ta, đều nhất định là trái ngọt nhất.
Nó hung dữ, nhưng lại dè dặt khi muốn gọi ta một tiếng “a nương”. Thấy ta hơi chau mày, nó liền vội vàng nói bản thân chỉ là một kẻ mơ tưởng viển vông.
Đâu phải là mơ tưởng viển vông chứ.
Còn kẻ lớn hơn, gọi là Tạ Trường Yến, hắn mê man hơn nửa tháng mới tỉnh, lại mất thêm hai tháng mới có thể xuống giường.
Khi tỉnh lại thì không trả nổi ngàn vàng tiền khám bệnh, đành phải ở lại căn nhà của ta, hái thuốc, nghiền thuốc, làm việc để trả nợ.
Qua một năm, người trong thôn nói Tạ Trường Yến là tiểu bạch kiểm* mà ta nuôi dưỡng.
Ta muốn đuổi Tạ Trường Yến đi, nhưng hắn lại nói Ôn Chấp An đã đến tuổi nhập học, đang thiếu một vị phu tử dạy dỗ.
“Ôn nương tử là bồ tát cứu khổ cứu nạn, chuyện học hành, e là không thể đảm đương.”
Một lời của hắn, ta chẳng biết nói gì thêm được nữa.
Thôi thì thôi vậy, dù sao rồi cũng có ngày hắn sẽ rời đi, một hai năm cũng chẳng đáng gì.
Ngày qua tháng lại, xuân hạ thu đông, Ôn Chấp An chuyên tâm học hành, chỉ mong sớm đạt được công danh.
Tạ Trường Yến lại chẳng có phong thái của tiên sinh dạy học, mỗi ngày chỉ biết đùa giỡn, hái hoa bắt bướm. May mà hắn vẫn chăm chỉ nghiền nát thuốc viên cho ta, ta đành mắt nhắm mắt mở cho qua vài lần.
“Tạ phu tử, con viết thêm hai bài sách lược nữa, người đã hứa tối nay giúp con phê bình, không được lười biếng nữa, mau đến giảng cho con.”
Tạ Trường Yến bị Ôn Chấp An làm phiền đến phát bực, liền đến tìm ta cầu cứu.
Tạ Trường Yến đưa cho ta nhiều bản y học cô bản, là thứ năm xưa ở Yến Đô ta cũng chưa từng thấy.
Lấy đồ của người ta thì phải biết điều, thế là ta khuyên Ôn Chấp An phải biết kết hợp nghỉ ngơi và làm việc.
Đứa trẻ nhỏ ấy nước mắt lưng tròng, vẻ mặt cảm động, nói cái gì cũng nghe theo ta.
Nhưng vừa quay lưng đi thì lại cãi nhau ầm ĩ với Tạ Trường Yến, y như mèo với chuột.
Những năm tháng ở Sở địa trôi qua bình yên như thế, thời gian cứ thế mà dài dằng dặc.
Đêm đến mộng mị, cũng hiếm khi còn bị ác mộng làm giật mình tỉnh giấc.
Hôm ấy, ta trở về sau một chuyến khám bệnh, thôn trưởng đến tìm ta, nói có quý nhân đến Sở địa. Còn nói là trong ngọn núi nơi ta thường hái thuốc có mỏ sắt, mà ta thì thông thạo đường núi, xin ta dẫn đường cho bọn họ.
Khi ta mới đến thôn này, là thôn trưởng đã sắp xếp chỗ ở cho ta, nợ tình khó trả, ta liền gật đầu đáp ứng.
Hôm sau lên núi, ta cúi đầu đến trước mặt quý nhân, thôn trưởng bảo ta phải quỳ xuống hành lễ.
“Dân phụ bái kiến quý nhân.”
Vị quý nhân cách đó vài bước bỗng loạng choạng, ta liền thấy một góc áo choàng màu đen thêu kim tuyến quen thuộc.
Ngẩng đầu lên, quý nhân đã đứng ngay trước mặt.
Bốn mắt nhìn nhau, hóa ra lại là cố nhân xa cách bao năm.
Kẻ từng khiến ta một lòng một dạ, nhưng lại đẩy ta vào trong đau khổ.
Gió sương chưa hề làm giảm bớt vẻ tuấn tú của Bùi Chiêu, chỉ là đôi mắt kia, lại càng thêm khí phách của kẻ bá chủ thiên hạ.
Mấy năm nay, dù ở nơi Sở địa này, ta vẫn từng nghe qua tên của Bùi Chiêu.
Yến Vương trẻ tuổi tung hoành ngang dọc, công chúa các nước tranh nhau gả cho hắn, thề phải khắc tên mình trên cuốn sách thống nhất thiên hạ của Bùi Chiêu.
Bùi Chiêu lại vẫn chưa lập ra Yến Vương phu nhân thực sự.
Lời đồn đại khắp nơi, có người nói rằng Yến Vương Bùi Chiêu mãi không quên được vị phu nhân đã chết trong trận đại hỏa ở Yến Đô năm ấy.
Cũng có người nói rằng hắn vì quá yêu thương thái tử Bùi Chấp, không muốn thái tử nhận người khác làm mẫu thân.
Tạ Trường Yến cũng từng hỏi ta.
“Bùi Chiêu hậu cung hồng nhan vô số, vì sao mãi chưa lập ra Yến Vương phu nhân, Ôn nương tử có biết không?”
Ta không hỏi Tạ Trường Yến vì sao lại đi hỏi một người nơi thôn dã như ta, chỉ tự mình múc một bát canh nóng.
“Cò trai giành nhau, ngư ông đắc lợi, Yến cung không có chủ, mới khiến Bùi Chiêu giữ được quan hệ công bằng với các nước.”
Yến Vương không có phu nhân, hậu cung vô chủ, như vậy thì mới không làm mất mặt công chúa của các nước. Con cháu hoàng tộc cao quý, sao có thể chịu làm vợ lẽ dưới thân phận một nữ nhân nơi thôn dã.
Còn ta đối với Bùi Chiêu, chẳng qua chỉ là một giọt sương đọng trên tà áo hắn năm xưa. Gió bắc thổi qua, tình cạn duyên tan, là thứ chẳng để lại chút dấu vết nào.