Mây Tan Mưa Tạnh - Chương 3
12
“Nguyệt Nguyệt, thật sự là linh dược của đời ta.”
Tính khí của Phó Du ngày một khó lường, chỉ khi ở cạnh ta mới có thể miễn cưỡng áp chế được cơn bạo nộ đang âm ỉ.
Trước kia, sự hung tàn của hắn chỉ âm thầm sinh trưởng nơi u tối, giờ lại bị ánh dương phơi bày đến tận cùng, há chẳng khiến người đời bàn tán sau lưng?
Hắn chẳng thể một mình phê duyệt tấu chương, liền quen ôm lấy ta, đôi lúc nổi hứng còn bắt ta cùng luận bàn chính sự.
Tỷ tỷ vẫn một mực cự tuyệt chuyện kết duyên cùng Nhiếp chính vương.
Hoa quế trước điện đúng lúc nở rộ, hương thơm nhẹ nhàng lan tỏa. Ta sai Chi Lan về phủ tặng lễ, nàng trở về thì đem những chuyện nghe được thuật lại cho ta.
“Nếu một ngày nào đó ta ch-ết đi, mà lúc đó ngươi đang có vợ con mỹ mãn, ngươi sẽ làm gì?” Chi Lan bắt chước giọng tỷ tỷ, cất lời như than thở. Chỉ tiếc âm luật chưa thật tròn trịa.
Nàng lại giả làm Phó Túc, dừng một khắc rồi trầm giọng đáp:
“Dẫu không biết tại sao ta không cưới nàng, nhưng nếu chuyện ấy thật sự xảy ra, trước hết, ta sẽ thu liệm thi thể cho nàng.”
“Nếu nàng thọ tận, ta sẽ ngày ngày tụng kinh, khẩn cầu chư thần Phật độ nàng về nơi cực lạc.”
“Nếu nàng bị kẻ gian hãm hại, ta nguyện dốc hết tâm lực báo thù cho nàng.”
Chi Lan diễn xong, tay ta khựng giữa không trung hồi lâu mới đặt chén rượu xuống.
“Chuyện Nhiếp chính vương theo đuổi tiểu thư Tống gia nay đã lan khắp Thượng Kinh. Tiểu thư Tống gia quả nhiên tâm như sắt đá.” – Tôn Tiệp dư cảm khái nói, tay vẫn thoăn thoắt bóc cua.
Ta nghĩ, những chuyện đó hẳn là chuyện mà Phó Túc có thể làm. Có lẽ sau khi tỷ tỷ qua đời, còn biết bao điều đau lòng đã xảy ra.
Nhưng đời này, không cần phải đến nước ấy nữa rồi.
Tôn Tiệp dư thấy ta thất thần, bèn xúc một thìa lớn gạch cua đặt vào bát ta:
“Nguyệt Nguyệt, cung nữ nhỏ này muội tìm từ đâu ra thế? Chao ôi, nàng bắt chước giọng điệu của Nhiếp chính vương và tiểu thư Tống gia giống y như thật.”
Nàng chẳng rảnh tay, bèn dùng vai húc nhẹ ta một cái:
“Có chuyện gì, cũng đừng giấu tỷ tỷ này.”
Đôi mắt nàng sáng lấp lánh, chứa đầy khát vọng sống đời bình yên. Môi ta mấp máy mãi chẳng thốt nên lời.
Thấy ta chẳng đáp, nàng dứt khoát lau tay bằng khăn lụa, cho lui cung nhân, rồi thô lỗ vén tay áo ta lên.
Trên ấy vẫn còn vết máu khô, cả lớp da sùi tái, may thay không có vết mới.
“Nếu ta không hỏi, muội định giấu ta đến bao giờ?” Nàng tức giận bóp chặt chỗ da còn lành trên tay ta.
Thấy ta đau, nàng vội kêu lên:
“Chạm nhẹ muội đã rên, thế mấy vết này muội chịu đựng kiểu gì?”
“Nếu có việc gì cần, muội cứ nói. Ta không phải hạng người trốn sau lưng người khác để cầu an sống qua ngày.”
“Chuyện này để ta gánh là được, không cần liên lụy đến tỷ.” – Ta quay đầu, buông tay áo xuống.
Tôn Thính Nghi tức giận đứng bật dậy:
“Tống Thời Vũ! Trước khi muội nhập cung, ta cũng sống rất tốt, muội tưởng ta chỉ biết ăn chay niệm Phật sao?”
Ánh trăng soi lên mắt nàng, long lanh như nước hồ thu, chân thành không chút giả dối.
Từ nhỏ đến lớn, ta chưa từng được nhiều người xem trọng. Cha mẹ và tỷ tỷ luôn che chở cho ta, gả vào nhà quyền thế, phu quân cũng chẳng để ai bắt nạt ta.
Thế nhưng, trong miệng người đời, ta vẫn là kẻ hẹp hòi, không thể so bì với tỷ tỷ dịu dàng đoan trang.
Ta đã từng ngỡ mình chẳng còn biết dựa vào ai, tưởng mình đã đủ mạnh mẽ.
“Nếu có thể, ta mong kiếp này có thể tự mình sống rực rỡ, cũng mong tỷ tỷ không còn bị ràng buộc.”
…
Đông chí lại đến, đã ba năm trôi qua trong lặng lẽ.
Trong khoảng ấy, biết bao chuyện xảy ra ngoài dự liệu.
Dây dưa bao năm, tỷ tỷ cuối cùng vẫn từ chối Phó Túc.
Khoa thi mùa xuân, thám hoa Lý Cẩm Hạo tới cầu hôn, tỷ gật đầu, phụ thân đưa tỷ xuất giá với mười dặm hồng trang.
Phó Túc sa sút tinh thần, bị bệ hạ mượn cớ thu hồi quyền nhiếp chính, chỉ để hắn giữ lại tước hiệu cũ do tiên hoàng ban – “Hiền”.
Chiếu chỉ năm ấy do ta nhận thay, may mà người biết chuyện không nhiều, kết cục cũng đúng ý Phó Du, ta chẳng bị khiển trách nặng nề, mọi chuyện dần chìm vào lãng quên.
Mùa tuyết năm nay vừa rơi, thân thể Phó Du tựa hồ suy yếu đột ngột, chẳng còn tinh thần xử lý quốc sự, lần lượt giao lại cho ta.
Từ chỗ dựa trong lòng hắn để chỉ điểm, đến ngồi bên cạnh, rồi dần tự tay viết lệnh – cái giá phải trả là thân thể ta dần cạn kiệt.
Than lửa trong điện Cần Chính nguội dần, ta run rẩy không ngừng, xoa xoa tay cầm bút son, sai Phó Du đi nhóm thêm lửa.
Lửa liếm lên than bạc, bốc lên làn khói xanh lượn lờ. Phó Du vòng tay ôm eo ta, lầu bầu nói:
“Nguyệt Nguyệt, nàng định phê tấu chương đến bao giờ? Trẫm chờ đã một canh giờ rồi đấy.”
Ta gõ đầu hắn:
“Hoàng thượng hãy nhẫn nại thêm một lát. Năm nay tuyết lớn, nhiều nơi gặp nạn, thần thiếp đang phân phó cứu trợ, kẻo dân chúng khó mà qua nổi năm mới.”
Hắn không nói nữa, vuốt lấy đuôi tóc ta mà đùa nghịch, một hồi sau lại bảo:
“Nguyệt Nguyệt có nghe tin Phó Túc có thêm một đứa con không?”
“Chưa từng nghe.” Ta vẫn chăm chú vào nét bút son, mỗi đạo thánh chỉ của ta đều ảnh hưởng tới trăm ngàn sinh mạng, chẳng còn tâm trí để tán chuyện vặt.
“Phó Túc vì một nữ nhân mà sống dở ch-ết dở, để chứng tỏ rằng ngoài nàng ra thì không cưới ai khác, hắn lại vào Từ An Đường nhận nuôi một đứa trẻ, mong đổi lấy lòng người.” Hắn hả hê kể ta nghe như chuyện cười.
Ta chẳng hứng thú gì với đề tài này.
Từ khi hắn giao chính sự cho ta, thì chỉ biết quan tâm chuyện nhà cửa của các đại thần, hoàng đế lại bắt đầu giống mấy phụ nhân rỗi việc.
“Đứa trẻ ấy tên là Phó Tống An, nghe đâu là do Phó Túc năn nỉ phu nhân học sĩ đặt cho.”
Bút ta lệch đi một nét, để lại một vết mực.
An An.
Đứa con trong giấc mộng của ta, không biết đã xuất hiện bao lần.
“Đã là con Phó Túc và Tống gia, hay cứ hợp hai họ mà đặt là Phó Tống.” – Khi ấy giọng hắn bình thản, chẳng hề có chút xúc động nào của kẻ mới làm phụ thân.
Còn ta, chỉ chìm đắm trong nụ cười ngọt ngào của đứa bé, cùng giấc mộng về một gia đình trọn vẹn:
“Tên trẻ con nào lại hợp họ cha mẹ? Thôi gọi là Tống An đi, ta chỉ mong nó cả đời bình an thuận lợi.”
Lễ thôi nôi của Phó Tống An do quản gia phủ Hiền Vương tổ chức. Ta lấy cớ thân thể không khỏe để khỏi tham dự, Phó Dụ có phần thất vọng.
Về đến, hắn vui vẻ kể ta nghe đứa nhỏ đáng yêu cỡ nào, trong lễ thôi nôi chẳng chọn gì, chỉ nắm lấy tay hắn mãi không buông.
Cuối cùng, hắn tựa lên vai ta hỏi:
“Nguyệt Nguyệt, nàng nói xem, chúng ta có thể có con không?”
Ta cười gượng mà đáp “thuận theo tự nhiên”, nhưng trong lòng lại không kìm được mà nghĩ đến Hồ phi và cái trống lắc kêu leng keng kia.
Giờ đây, Phó Du thường giả bộ yếu mềm, chuyện gì cũng hỏi qua ta, suýt khiến ta quên mất hắn từng âm trầm và tàn bạo đến thế nào.
Sau đêm ấy, không còn ai đưa thuốc tránh thai đến nữa, nhưng ta… cũng chẳng còn mềm lòng.
14
Sáng sớm hôm ấy, Chỉ Lan điềm nhiên nói với ta: “Mai đã nở, và… tóc nương nương đã bạc rồi.”
Nàng đã luyện đến mức có thể thuần thục chuyển đổi một lớp da người sang thân thể khác, khâu vá tinh xảo không chút vết tích.
Nhân lúc duyệt tấu chương, ta gọi Phó Du đến chải tóc cho ta. Quả nhiên, hắn kinh hô: “Nguyệt Nguyệt, sao tóc nàng lại có sợi bạc thế này?”
Ta cố đè nén ý cười nơi khóe môi, vừa khóc lóc kể nỗi khổ khi phải lui về phía sau rèm, vừa thuận lý thành chương yêu cầu hắn cho ta chấp chính cùng nghe triều sự.
Sáng hôm sau, trong buổi triều sớm, Phó Du đưa ra đề nghị “Nhị Thánh đồng trị”, lập tức vấp phải muôn vàn lời phản đối, mà kịch liệt nhất là lời lẽ của Đường Như Trưng.
Phó Du ho không dứt trên long ỷ, ta bèn từ điện bên bước ra, đứng trước mặt bá quan:
“Đường đại nhân đã phản đối, vậy ta xin mạn phép hỏi ba điều.”
“Làm quan nơi triều chính, nên để người có tài hay kẻ có đức chấp chưởng?”
Đường Như Trưng nén một hơi chuẩn bị đáp, lại chạm phải ánh mắt như đuốc của Phó Du, liền khựng lại.
Nếu hắn trả lời là người có đức, thì chẳng khác nào ám chỉ việc trước đây Phó Túc được phong làm Hiền vương là hợp lẽ — điều đó hắn không dám nói.
Nhưng ta vốn dĩ chẳng định đợi hắn trả lời: “Ta biết Đường đại nhân muốn nói là cần hội đủ tài đức. Vậy xin hỏi, trong chốn triều đường này, ai dám tự xưng mình hội đủ cả hai?”
Bá quan im phăng phắc.
“Đường đại nhân tự ví mình như Ngụy Trưng, không sợ uy quyền, quả có lòng trung. Nhưng nhiều việc, không phải cứ nói là xong.”
“Vậy Đường đại nhân nghĩ sao về kế sách cứu đói mùa đông năm nay?”
Hắn thoáng ngẩn ra, rồi vẫn thành thật đáp: “Kế sách của Bệ hạ quả là tài trí: đầu tiên miễn tô ruộng cho dân để tỏ lòng nhân đức, sau lại phát chẩn cứu tế.”
“Chưa kể, vùng thiên tai sắp được khai mở công trình thủy lợi…” Hắn càng nói càng kích động.
“Đó là chủ ý của ta.” Ta lạnh nhạt cắt lời.
“Cho ngươi tham gia vào chuyện này, đích thực cũng là chủ ý của quý phi.” Phó Du chêm thêm.
Ta liếc mắt đưa tình với hắn, rồi nâng tay áo lộ ra bộ chính phượng phục: “Tuy ta là quý phi, nhưng Bệ hạ không có hoàng hậu, ta chính là chủ hậu cung. Nay cùng Bệ hạ trị quốc, có gì không ổn?”
“Dù nương nương nói vậy, nhưng không có con, ai dám chắc nương nương sẽ hoàn chính về cho Bệ hạ?”
“Yêu phi kia không thể sinh nở, còn hãm hại các phi tần khác. Con gái của thần chính là bị nàng ta hại ch.ết! Cầu xin Bệ hạ minh xét!”
Từ cuối hàng văn quan, có kẻ bước nhanh về phía trước, ta nhìn kỹ, hóa ra là thân phụ của Hồ phi.
Xem ra hắn còn chẳng rõ ngọn ngành khi xưa, chẳng khác nào tự tay bóc trần vết thương của Phó Du.
Không đợi ta động thủ, Phó Du đã rút kiếm từ thắt lưng thị vệ, chém một nhát ngăn lời bất kính tiếp theo của hắn, rồi lại bắt đầu ho sù sụ.
Ta liếc qua một cái, người trên đất nhanh chóng được phủ bằng vải trắng.
Ta chậm rãi bước xuống bậc thềm, khẽ ghé sát tai Đường Như Trưng đang quỳ:
“Đường đại nhân cho rằng, là ta không muốn có con ư? Ngươi nên rõ, là ta không muốn… hay là Bệ hạ không thể?”
“Ta rất mong Đường đại nhân dâng sớ tố bản cung làm loạn triều cương, bất lợi cho hậu tự. Chỉ là lần này, bản cung có giữ được tính mạng của đại nhân hay không… thì chưa rõ đâu.”
Hắn là người cương trực, chứ chẳng ngu si.
Mặc kệ thân thể hắn run rẩy, ta vừa đi vừa đảo mắt nhìn khắp triều thần:
“Ta không có ý muốn ‘gà mái gáy sáng’, chỉ là Bệ hạ long thể bất an. Bệ hạ lo toan chuyện nước, chẳng nên khiến người quá lao lực. Với tư cách là người hậu cung, lòng ta thương phu quân.”
“Câu hỏi cuối, không chỉ hỏi Đường đại nhân, mà cũng hỏi chư vị.”
“Ba năm nay, hễ là mệnh lệnh do bản cung ban ra — có tổn hại gì cho quốc gia? Có bất trung với thiên tử? Có vô ích với lê dân?”
Giữa tiếng thái giám kéo xác và lau máu như thường lệ, bá quan đồng thanh tung hô: “Bệ hạ vạn tuế! Nương nương thiên tuế!”
…
Từ dạo đó, ta hiếm thấy Phó Túc lộ diện nơi triều đường. Lâu lâu có đến cũng là dáng vẻ say xỉn, rõ là chỉ đến cho có mặt.
So với hắn, tân Hàn lâm học sĩ Lý Cẩm Hạo ứng xử trên quan trường lại như cá gặp nước. Với ta, hắn luôn giữ thái độ cung kính mà không hèn mọn — có chiếu thì tận lực, không chiếu thì chuồn lẹ.
Nghe nói tỷ tỷ cùng sư muội làm đạo sĩ của nàng đang du phương tứ hải, ngay cả Lý Cẩm Hạo cũng khó mà liên lạc được.
Mỗi lần nhắc đến tỷ tỷ, hắn đều lộ vẻ cưng chiều xen lẫn bất đắc dĩ.
Rốt cuộc ta vẫn không nhịn được, đến phủ Hiền vương gặp đứa bé kia.
Nó đã gần hai tuổi, bò lên án thư, tay cầm bút loang lổ mực đen.
Phó Túc ngồi bên, chén rượu liên miên, ánh mắt lãnh đạm.
Ta vội vàng ôm đứa nhỏ lên, giận dữ mắng hắn: “Phó Túc, ngươi làm cha kiểu gì vậy? Đã nhận nuôi đứa bé thì sao lại mặc kệ nó thế này?”
Hắn ngửa đầu tu rượu, để rượu tràn cả nền đất: “Nếu ta không nhận nó, nó còn chẳng sống được đến hôm nay.”
“Rõ ràng là ta đã tụng kinh, niệm Phật, cầu cho nàng ấy được sống lại một kiếp, cớ sao nàng ấy vẫn không thèm liếc mắt nhìn ta một lần?”
“Kiếp này, giữa ta và nàng ấy chẳng còn chướng ngại gì nữa rồi…”
“Ta cứ ngỡ, tìm được một đứa bé giống Tống An, thì Tri Tri sẽ hiểu lòng ta. Nhưng không có nàng ấy, ta chẳng muốn có con.”
Thì ra… trên đời này còn có người thứ ba trọng sinh.
“Nhưng kiếp trước, ngươi vẫn có con với ta mà.”
Ta khó mà tưởng tượng nổi — Phó Túc đã biết hết mọi chuyện, vậy mà năm ấy vẫn giả vờ ngây ngô, nhờ ta xoay xở giúp hắn cầu hôn.
Khi ấy, ta vẫn giữ chút tình nghĩa vợ chồng với hắn, nào ngờ hắn lại lạnh lùng vô tình đến thế. Trong đôi mắt kia khi đó, liệu có ẩn giấu bao nhiêu toan tính?
Sau vài năm thật sự lăn lộn trong quyền lực, ký ức mấy chục năm dường như phai nhạt, mà mắt ta cũng đã nhìn thấu hơn.
Phó Túc không phải người do dự, mà là kẻ tham lam.
Hắn muốn dùng một kiếp mới, chứng minh một khả năng khác của kiếp trước.
Ta không còn giữ lấy suy nghĩ xưa kia rằng hắn đáng thương hay ta có lỗi. Có lẽ… dù sống với ai, Phó Túc cũng không thể sống tốt.
Kiếp trước, hắn không gánh nổi áp lực từ phụ thân mà cưới ta. Cũng không đỡ miệng đời mà nạp thiếp. Ta từng nghĩ là do ta không phải người thích hợp.
Sự thật là — cả ta lẫn tỷ tỷ, đều chẳng phải ngoại lệ.
Trước khi từ chối hắn, tỷ tỷ chắc cũng từng đấu tranh đau khổ. Nàng ắt hẳn đã nhìn rõ: một bên là người xưa, một bên là cuộc sống mới.
Ta đã hoàn toàn buông bỏ, nhưng ta biết — người trước mắt ta, chính là trượng phu từng đầu ấp tay gối. Ta phải nghiền nát nốt mảnh mềm lòng cuối cùng trong tim mình:
“Hiện giờ tỷ tỷ sống rất tốt. Chúng ta đều không thể ngăn nàng tìm đến người tốt hơn, cuộc sống tốt hơn.”
“A Túc, chỉ còn ngươi vẫn chưa thể buông tay.”
“Đứa trẻ này, ta sẽ mang đi. Quãng đời còn lại, mong ngươi bảo trọng.”
16
Ta vốn tưởng rằng Phó Du sẽ yêu thích đứa nhỏ này, chẳng ngờ hắn lại trở nên nóng nảy như thuở ban đầu, khiến trong cung một lần nữa tràn đầy bầu không khí nơm nớp lo sợ.
Thế nhưng thân thể hắn đã suy yếu, dù có tâm bạo ngược, cũng chẳng còn sức để ra tay như trước.
Vẻ ngoài tuấn tú ngày nào của Phó Du nay chẳng còn, da thịt lỏng lẻo treo trên bộ xương gầy guộc, y phục thì gần như mỗi tháng may lại một lần. Hắn tự chán ghét chính mình, nhưng ta lại lấy làm vui lòng mà nhờ người cắt may cho hắn.
Càng gầy càng tốt – đây là kết luận mà Chỉ Lan đã nghiệm chứng qua nhiều lần.
Đợi đứa trẻ lớn thêm một chút, thân xác này của hắn cũng chẳng còn hữu dụng.
Việc duy nhất ta giao cho Tôn Tiệp Dư chính là nuôi nấng đứa trẻ. Nàng ta tức đến bật cười.
Ta giữ lấy tay nàng đang định phát tác:
“Chẳng phải tỷ đã hứa, việc gì cũng giúp ta hay sao?”
Vầng thâm dưới mắt ta không cách nào che giấu, nàng xoa nhẹ mấy lần, sau rốt chỉ thở dài:
“Giúp, sao lại không giúp?”
Ta ôm lấy tay nàng, cười:
“Ta biết tỷ thích làm sư mẫu, chẳng phải tỷ thích nhất là dạy dỗ ta sao?”
Nhưng lần này nàng không còn đáp trả lại sự trêu ghẹo của ta, chỉ lặng lẽ nhìn vết bầm tím lộ ra khi ta hơi chạm phải.
Ta từng gửi rất nhiều thư cho tỷ tỷ, nhưng chẳng mấy khi nhận được hồi âm. Dù có, cũng chỉ là hai chữ lạnh lùng: “Đừng nhớ nữa”.
Dần dần, ta cũng thôi không viết nữa, chuyên tâm dốc lòng nuôi dưỡng Phó Tống An.
Tôn Tiệp Dư dạy nó gọi từ đầu tiên là “Mẫu hậu”, nhưng ta không thích nghe như thế, thường xuyên sửa lại bắt nó gọi ta là “Quý phi”.
Ta rất sợ bản thân sẽ dồn nỗi áy náy dành cho An An lên người Phó Tống An, như thế là bất công với cả hai đứa trẻ.
Phó Tống An lên bốn.
Phó Du thường ngủ suốt giờ triều sớm, ta ngồi sau rèm châu nghe luận việc triều chính.
Bên thư án ở điện Cần Chính luôn đặt sẵn một tấm tháp mềm.
Phó Tống An lên năm.
Phó Du chẳng còn thượng triều nữa, ta bước ra khỏi rèm châu, ngồi trên long ỷ, không ai dám dị nghị.
Tháp mềm trong điện Cần Chính bị dẹp bỏ, chỉ còn ta thỉnh thoảng lặng nhìn chỗ trống ấy mà thất thần.
Chỉ Lan nhắc ta rằng cành mai cuối cùng ở cung Khuynh Nguyệt cũng đã nở, Phó Du hiếm hoi theo ta cùng lên triều.
Ta tuyên đọc thánh chỉ sắc phong Phó Tống An làm Thái tử, khiến bao năm qua lần đầu có người dám lên tiếng phản đối.
Quần thần đều hiểu rõ, Phó Du chỉ là theo hình thức, mỗi một thánh ý đều là chủ trương của ta.
“Dù sao Thái tử cũng không phải huyết mạch của Bệ hạ, chuyện này…” Đường Như Trưng vừa dò xét sắc mặt ta vừa mở lời. “Truyền Thượng thư bộ Lễ, cùng Quý phi bàn việc phong thiện lễ nghi.”
Phó Du nguyên đang dựa vào vai ta, bỗng ngồi thẳng dậy, chỉ khẽ ho vài tiếng khi ta vỗ lưng hắn.
Ngoại tốc phong vương, tất phải lên Thái Sơn.
…
Trong chính điện Lũng Yên Các, có một người nằm trên chiếc giường đơn sơ, phủ kín bằng một tấm vải trắng.
Mọi khung cửa sổ đều bị đóng đinh kín mít, không để lọt chút ánh sáng. Chỉ có một ngọn đèn lạnh lẽo do ta thắp lên.
Ta đứng rất xa, ghét bỏ mà chẳng muốn lại gần, người trên giường giãy giụa không ngừng, m.áu thấm qua vải trắng như những đóa mai đỏ nở rộ.
“Trẫm… đối xử với nàng không tệ…” Giọng hắn yếu ớt như hơi thở tàn, “Cớ sao nàng… lại đối với trẫm như thế…”
“Giá như ngươi cũng có cơ hội làm lại từ đầu thì hay biết mấy. Không biết nơi đây là chốn nào, thật tiếc thay.” Ta bịt mũi, lắc đầu. “Nơi ngươi đang nằm, tỷ tỷ ta cũng từng nằm đó.”
“Nhưng điều này thì chắc ngươi phải rõ rồi.” Ta rút từ bên hông ra cái trống lắc làm từ da người, năm tháng làm nó khô vàng, nhưng được Chỉ Lan ngày đêm vuốt ve nên dưới ánh đèn lại lóe lên lớp dầu kỳ dị.
Quả nhiên Phó Du “a a” kêu la, ta ném cái trống lắc lên khuôn mặt không còn da thịt của hắn:
“Đường Như Trưng nói đúng, ngươi quả là chẳng phân nổi trắng đen. Nếu Phó Túc thực sự muốn tranh ngai vàng với ngươi, ngươi nghĩ mình còn giữ được đến giờ sao? Họa hoạn do hoạn quan thời tiên đế gây ra, chẳng phải nhờ Phó Túc ngày đêm khổ công gắng sức mới có cục diện thái bình hôm nay?”
“Sai lầm lớn nhất của ngươi, chính là đề phòng người thương yêu và kính trọng ngươi nhất. Tiên đế hết mực yêu con, để lại cho ngươi một kẻ đồng hành trung hậu như vậy, còn ngươi lại nghi kỵ từng li từng tí, đến nỗi tạo cơ hội cho ta chen chân vào.”
Ta mân mê viền chỉ vàng trên long bào, ngẩn ngơ:
“Quyền lực, quả nhiên là thứ mê người. Nó khiến con người lạc lối.”
“Nhưng có điều mà Đường Như Trưng chưa từng nói với ngươi.” Ta lạnh mặt, lột bỏ hết y phục. “Khi ngươi ỷ vào quyền lực tối cao để mặc sức hành hạ kẻ khác, thì cũng nên sớm nghĩ đến việc, một ngày kia, ngươi sẽ bị chính thứ quyền lực đó nuốt chửng.”
Phó Du cuối cùng cũng gào lên trọn vẹn một câu:
“Độc phụ! Ngươi sẽ phải xuống địa ngục!”
Ta muốn như xưa liếc mắt đưa tình với hắn, nhưng lại nghĩ tới bản thân đã bao tuổi đầu còn làm trò đó, thật chẳng thú vị gì:
“Ta đương nhiên sẽ xuống địa ngục. Nhưng ngươi đừng hòng chạy thoát. Ta quay về lần này, chính là để kéo ngươi theo cùng.”
Ta nở nụ cười, từ từ khép cửa lại, để bóng tối trong điện dần dần nuốt lấy ánh sáng từ ngọn đèn.
Ở một nơi khác, “Phó Du” bế Thái tử Phó Tống An, từng bước một bước lên đỉnh tế đàn Thái Sơn, hưởng trọn tiếng tung hô vạn tuế từ muôn dân và quần thần cúi đầu nghênh đón.
Dù ngay ngày hôm sau đã truyền ra tin Bệ hạ băng hà, thì đã sao?
Chốn triều đình độc tôn một lời, vốn chẳng hề có dị nghị.