Mẹ Chồng Tiêu Chuẩn Kép - Chương 1
Mẹ chồng đúng là tiêu chuẩn kép.
Trong mắt bà ta, việc nhà, chăm con đều là trách nhiệm của một mình tôi.
Còn con trai bà ta thì phải được cung phụng như hoàng đế.
Vì chuyện này, tôi đã cãi nhau với bà ta không biết bao nhiêu lần, cuối cùng còn khiến tôi và chồng ly hôn.
Sau đó, bà ta bị xuất huyết não, nằm liệt giường.
Còn đứa con trai “hoàng đế” của bà ta thì chẳng biết làm gì, ngay cả chăm sóc bà trong bệnh viện cũng không xong.
Lúc này, bà ta mới hối hận, muốn gọi tôi đến chăm bà.
Tôi khinh: “Tìm con trai bà mà chăm!”
1
Mẹ chồng bị xuất huyết não, nằm liệt giường.
Chồng cũ của tôi, Quý Vũ, gọi điện đến cầu cứu:
“Vợ ơi, em có thể về một chuyến không? Mẹ anh nhập viện rồi, ba anh phải vào viện chăm mẹ, ở nhà chẳng còn ai nấu cơm hay trông con cả.”
Tôi thẳng thừng từ chối:
“Không, không rảnh.”
Quý Vũ tức giận vì thái độ cứng rắn của tôi, bực bội nói:
“Bây giờ không phải lúc giận dỗi nữa! Em không thể bỏ mặc con trai mình được!”
Tôi cười khẩy, lười biếng đáp:
“Ủa? Trước đây mẹ anh chẳng phải bảo con trai là bảo bối của nhà họ Quý, người ngoài là tôi thì không có tư cách nuôi dạy nó sao? Sao giờ bà ấy lại thừa nhận nó là con tôi rồi?”
Anh ta im lặng một lúc, rồi xuống nước:
“Vợ ơi, anh xin em, được không?”
Tôi vẫn giữ vững lập trường:
“Không. Tôi không về đâu. Nếu anh không xoay sở được thì đem con trai gửi qua cho tôi, còn không thì tự mà lo.”
Bốn tháng trước, tôi đã cãi nhau một trận long trời lở đất với mẹ chồng.
Quý Vũ không những không bênh vực tôi, mà còn hùa theo bà ta gây sức ép.
Vậy nên, tôi dứt khoát dọn về nhà mẹ đẻ.
Nói thẳng ra, tôi và anh ta vẫn đang chiến tranh lạnh.
Nhưng anh ta không muốn gửi con cho tôi, tiếp tục dùng đạo đức ràng buộc:
“Tần Duệ, anh biết em luôn thích tính toán từng li từng tí. Nhưng có thể nhìn vào tình hình một chút không? Bây giờ không phải lúc em chấp nhặt mấy chuyện cỏn con trong quá khứ mà đôi co với mẹ anh.”
Tôi cũng bực mình:
“Sao anh không nói thẳng luôn là muốn tôi bỏ qua tất cả, đến bệnh viện chăm mẹ anh đi?”
Nói xong, tôi cúp máy cái rụp.
Nằm mơ đi, đồ đàn ông bám váy mẹ!
2
Tôi và Quý Vũ quen nhau qua buổi xem mắt.
Vân Thành là một thành phố không quá lớn, nếu qua 25 tuổi mà chưa kết hôn, chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu chính của gia đình trong việc giục cưới.
Năm tôi 25 tuổi, bị gia đình giục đến mức phát ngán, tôi mới đi gặp Quý Vũ. Anh ấy cũng bằng tuổi tôi, bị gia đình giục đến mức không chịu nổi nên mới ra gặp tôi.
Ban đầu, cả hai chẳng ai vừa mắt ai.
Thậm chí, chúng tôi còn không để lại liên lạc, ăn xong bữa cơm chia đôi tiền rồi mạnh ai nấy về.
Mãi mấy tháng sau mới có dịp gặp lại. Hôm đó tôi tăng ca đến nửa đêm mới về, đúng lúc em gái của Quý Vũ – Quý Điềm, vừa mới lấy bằng lái, lái xe của anh ấy ra tập chạy đêm, thế nào lại đâm vào xe tôi.
Sau khi gây chuyện, Quý Điềm run rẩy gọi điện cho anh trai đến giải quyết giúp. Nhà anh ấy ở gần đó, Quý Vũ xuống lầu, nhìn một cái là biết ngay em gái mình sai hoàn toàn, liền xin lỗi tôi.
Lúc này, chúng tôi mới nhận ra nhau.
Quý Điềm có khiếu hài hước bẩm sinh, thấy tôi và anh trai quen nhau, bèn nói với tôi:
“Chị ơi, xe chị có đắt không? Em có đủ tiền đền không? Nếu không đủ thì em lấy anh trai em đền cho chị nhé?”
Tôi: “……”
Xe thì không quá đắt, hơn nữa còn có bảo hiểm.
Nhưng Quý Điềm cứ thấy áy náy, nhất quyết đòi thêm WeChat của tôi, nói lần sau mời tôi ăn cơm.
Theo kịch bản thường thấy, “lần sau mời ăn cơm” thường đồng nghĩa với “không có lần sau”.
Thế nên tôi thoải mái đồng ý.
Ai ngờ, Quý Điềm không đi theo lối mòn. Vài ngày sau, cô ấy thực sự hẹn tôi đi ăn. Cô ấy nói chuyện rất thú vị, dần dà chúng tôi trở thành bạn bè.
Thỉnh thoảng cô ấy cũng dẫn theo anh trai đi ăn cùng. Mọi người quen mặt nhau rồi, cô ấy mới lộ bộ mặt thật.
Hóa ra cô ấy đến để giúp Quý Vũ theo đuổi tôi.
Nghe nói hồi xem mắt, thực ra Quý Vũ đã để ý tôi, nhưng thấy tôi không có hứng thú với anh ấy, nên không dám chủ động.
Sau buổi xem mắt, anh ấy cứ nhớ mãi không quên.
Ai ngờ, Quý Điềm tông vào xe tôi một cái, lại tông trúng ngay lòng anh trai mình.
Thế là Quý Vũ lại động lòng.
Tôi không quá phản cảm với anh ấy.
Anh ấy làm quản lý ở một công ty tư nhân, trông nhã nhặn, nói chuyện lúc nào cũng cười, rất ít khi cáu gắt.
Thế nên, cuối năm đó, khi anh ấy tỏ tình, tôi cũng nghĩ thử một lần xem sao, rồi đồng ý hẹn hò với anh ấy.
Trong lúc yêu, chuyện gì chúng tôi cũng có thể bàn bạc với nhau. Hơn nữa, mỗi khi hai đứa có chút xích mích, Quý Điềm luôn vô điều kiện đứng về phía tôi, giúp tôi mắng anh trai cô ấy.
Nhờ vậy mà chúng tôi hầu như chẳng bao giờ cãi vã.
Sau một năm hẹn hò, Quý Vũ cầu hôn tôi.
Ở Vân Thành không có tục thách cưới. Gia đình anh ấy cũng đã mua nhà cho anh ấy, nội thất cũng hoàn thành, mỗi tháng chỉ cần trả khoản vay hai nghìn tệ. Tôi cũng có nhà, do bố mẹ tôi tài trợ mua, khoản vay còn cao hơn anh ấy hai trăm tệ.
Môn đăng hộ đối, không ai phải trèo cao.
Hơn nữa, lúc đó mẹ chồng tương lai – bà Lý Nguyệt – vẫn chưa bộc lộ bộ mặt thật của mình.
Lần đầu tiên hai nhà gặp mặt, bà ấy cư xử khéo léo, nói năng lịch sự, hoàn toàn không giống một người sau này sẽ làm khó con dâu.
Bố mẹ tôi thấy vậy cũng yên tâm mà đồng ý cuộc hôn nhân này.
Thế là, chúng tôi kết hôn mà chẳng có gì trắc trở.
3
Bắt đầu có mâu thuẫn là vào khoảng một năm sau khi tôi và Quý Vũ kết hôn.
Tôi với anh ấy có ý định sinh con, hơn nữa bố mẹ hai bên đều sẵn sàng giúp đỡ chăm sóc em bé. Vì thế, sau hơn nửa năm kết hôn, tôi đã mang thai.
Khi thai được năm tháng, tôi vẫn đi làm. Hôm đó cần đi gặp khách hàng quan trọng nên có trang điểm nhẹ, mà mỹ phẩm tôi dùng đều là loại dành cho bà bầu.
Nhưng tan làm thì Lý Nguyệt đến chỗ tôi, nhìn thấy liền không ngồi yên nổi.
Bà ấy túm lấy tôi rồi bắt đầu một tràng giáo huấn:
“Con mang thai rồi, không được trang điểm đâu, như vậy sẽ ảnh hưởng đến đứa bé.”
Tôi giải thích là tôi dùng mỹ phẩm dành riêng cho bà bầu, hơn nữa bình thường tôi cũng ít khi trang điểm, hôm nay là vì phải gặp khách hàng quan trọng nên mới trang điểm nhẹ.
Nhưng bà ấy làm như không nghe thấy, thấy tôi không nghe lời thì giọng bắt đầu mỉa mai:
“Khách hàng gì mà đáng để con lấy sức khỏe của con mình ra đánh đổi? Tần Duệ, mẹ nói con này, kết hôn rồi, có thai rồi thì không cần ra ngoài lúc nào cũng phải chưng diện xinh đẹp như thế đâu.”
Bà ấy bị làm sao vậy?
Nhưng lúc đó tôi còn trẻ, hơn nữa trước giờ cũng chưa từng có mâu thuẫn với bà ấy.
Lúc bà ấy thúc giục tôi sinh con, nói chuyện vẫn còn rất ngọt ngào:
“Duệ Duệ à, nhân lúc con còn trẻ, ba mẹ cũng còn trẻ, sinh con bây giờ là tốt nhất, mọi người đều đỡ vất vả. Quan trọng nhất là con đỡ vất vả. Mẹ chỉ lo sau này con lớn tuổi rồi, sinh con sẽ khó khăn, con phải chịu khổ thôi.”
Vậy nên lúc đó, tôi tuy không để tâm lời bà ấy nói, nhưng cũng không phản bác lại.
Thế nhưng bà ấy lại được đà lấn tới, tiếp tục nói:
“Tần Duệ, mẹ nói cho con nghe, con phải nhớ kỹ đấy. Nếu sau này con sinh con ra mà nó bị bại não hay có vấn đề gì, thì chúng ta sẽ không nhận, cũng không giúp con chăm đâu.”
Tôi: “?!?”
Tôi thật sự muốn chửi thề…
Nguyền rủa đứa bé như vậy, đây là lời mà một người mẹ chồng nên nói sao?
Tôi nhịn không nổi nữa:
“Mẹ, mẹ dậy có đánh răng không đấy? Cả miệng toàn nói lời xui rủi!”
Lý Nguyệt: “…”
Thấy tôi nổi giận, bà ấy lại đổi giọng, còn tỏ vẻ mình bị oan ức:
“Mẹ chỉ nhắc con một chút thôi mà. Mẹ có ý tốt nhắc nhở con, vậy mà lại sai à? Con không thích nghe thì thôi, sau này mẹ không nói nữa. Dù sao mẹ cũng là bề trên của con, con mắng người như thế, thật chẳng có chút giáo dưỡng nào.”
Tôi còn định tiếp tục tranh luận thì đúng lúc đó Quý Vũ tan làm về nhà.
Anh thấy hai chúng tôi tranh cãi, nghe tôi kể lại chuyện, liền quay sang đáp trả Lý Nguyệt:
“Mẹ, mẹ rảnh quá à? Đây là con của bọn con, chẳng lẽ bọn con không coi trọng sao? Mẹ mở miệng ra đã nguyền rủa, thế mà gọi là nhắc nhở à?”
Lý Nguyệt: “…”
Bà ấy im lặng một lúc, rồi vẫn cứng đầu biện hộ:
“Mẹ chẳng qua là lo lắng cho đứa bé, nhất thời nóng ruột nên mới nói nặng lời, đâu phải cố ý.”
Quý Vũ trợn mắt:
“Mẹ, dù cố ý hay không thì cũng không nên nói như vậy.”
Lúc này bà ấy mới chịu im lặng.
Hồi đó, chúng tôi không sống chung, bà ấy thỉnh thoảng mới qua nhà tôi. Bà ấy cũng thật sự quan tâm tôi và đứa bé trong bụng, khi tôi mang thai, thỉnh thoảng sẽ mang đồ ăn đến hoặc qua nấu ăn cho tôi.
Dĩ nhiên, có qua có lại, tôi cũng mua quần áo cho bà ấy, tặng quà, gửi tiền mừng vào các dịp lễ.
Hơn nữa, Quý Vũ đã thay tôi đáp trả rồi, nên tôi cũng không để bụng chuyện này nữa.
Nhưng sau đó, bà ấy càng ngày càng không thể kiềm chế nổi.
Khi tôi mang thai hơn bảy tháng, bụng to đi lại bất tiện, tôi nghỉ làm ở nhà thì bà ấy đến ở cùng để chăm sóc tôi.
Bề ngoài thì nói năng ngọt nhạt, quan tâm chu đáo lắm:
“Duệ Duệ, giờ bụng con lớn rồi, đi đứng cẩn thận, đừng để té ngã nhé.”
“Duệ Duệ, mẹ mua táo cho con đây, con muốn ăn mà hôm qua không có, giờ mẹ đi rửa cho con nhé.”
“Duệ Duệ, tối nay con muốn ăn gì?”
…
Tôi lại ngốc nghếch tin lời bà ấy, ngay cả Quý Vũ cũng “ghen tị”, bảo từ nhỏ đến lớn chưa từng được mẹ đối xử tốt như vậy.
Nhưng rồi, khi tôi nhập viện sinh con, bà ấy đã lén đem hết mỹ phẩm, đồ dưỡng da của tôi đi cho người khác.
Tôi sinh xong về nhà, bàn trang điểm chỉ còn một lớp bụi phủ lên.
Bà ấy nói lý do là:
“Con sinh con rồi, đang cho con bú, cũng không dùng đến, sớm muộn gì cũng hết hạn thôi, để trong nhà chỉ chiếm chỗ, không bằng sớm đem cho người khác.”
Tôi tức muốn chửi thề, nhưng vết mổ sinh còn đau, ngay cả sức để cãi lại bà ấy cũng không có.
Tôi bảo Quý Vũ đi nói chuyện với bà ấy.
Quý Vũ nói bà ấy vài câu rồi quay về còn đổ thêm dầu vào lửa:
“Vợ à, cho thì cũng cho rồi, em đừng so đo với mẹ nữa. Em nghĩ xem, lúc em mang thai, mẹ chăm sóc em rất tốt mà, bà ấy làm vậy cũng là vì muốn tốt cho em và con thôi.”
Tôi chửi anh ấy một trận, rồi anh ấy lại đi mua nguyên một bộ y như cũ cho tôi.
Anh ấy còn cam đoan:
“Mẹ nói rồi, sau này nếu muốn động vào đồ của em, nhất định sẽ hỏi ý em trước, sẽ không tự tiện quyết định nữa.”
Chuyện này tạm thời mới yên.
Nhưng thực tế đã chứng minh, lời hứa của Lý Nguyệt và Quý Vũ đúng là một trò hề.
Bà là người chăm sóc tôi trong thời gian ở cữ.
Vì lúc đó bố mẹ tôi chưa nghỉ hưu, còn bà ấy vừa mới về hưu nên rảnh rỗi. Tôi với Quý Vũ đều là dân làm công ăn lương, mấy chục triệu cho một trung tâm ở cữ cũng là một số tiền không nhỏ.
Vả lại, chính bà ấy cũng tình nguyện qua chăm tôi.
Thực ra là bà ấy rất siêng năng, chỉ có điều toàn dồn hết sự siêng năng đó cho con trai mình.
Quý Vũ chỉ cần gọi một tiếng, bà ấy có thể chạy vèo đến ngay.
Còn tôi thì sao? Tôi gọi cứ gọi, bà ấy coi như không nghe thấy.
Bà ấy còn cố tình chọc tức tôi, tìm đủ mọi cách để kiểm soát tôi.
Từ chuyện ăn uống cho đến chuyện cho con bú, bà ấy đều muốn can thiệp, lấy danh nghĩa “vì tốt cho tôi” để chỉ tay năm ngón.
Con tôi khóc, bất kể tôi đang làm gì, dù là đi vệ sinh, bà ấy cũng lập tức đập cửa ầm ầm như sắp phá nhà đến nơi.
Tôi góp ý thì bà ấy chỉ nói đúng một câu:
“Mẹ sốt ruột quá thôi, lần sau mẹ chú ý.”
Nhưng lần sau thì sao? Y như cũ.
Còn chuyện ăn uống, bà ấy thích món gì, hoặc Quý Vũ thích ăn gì, thì cả tuần sẽ chỉ nấu đúng mấy món đó.
Mẹ tôi mua cả một tủ lạnh đầy thức ăn, bà ấy coi như không thấy. Tôi có góp ý bao nhiêu cũng vô ích.
Không chịu nổi nữa, tôi tự đặt đồ ăn ngoài.
Hôm đó, Quý Vũ về nhà, thấy hộp cơm ngoài trên bàn, liền hỏi Lý Nguyệt có chuyện gì.
Bà ấy lập tức trưng ra vẻ mặt đáng thương:
“Chắc là do mẹ nấu không hợp khẩu vị của Duệ Duệ.”
Đúng lúc đó, Quý Điềm cũng ghé qua. Tôi thấy cô ấy ở đây, không muốn làm lớn chuyện nên chỉ nói nhẹ nhàng:
“Không phải mẹ nấu không ngon, chỉ là tự nhiên em thèm đồ ăn ngoài thôi.”
Quý Điềm hiểu chuyện, lập tức cười hùa theo:
“Chị dâu thích ăn gì thì bảo anh em nấu cho, nếu anh ấy nấu không hợp khẩu vị, mai em nghỉ làm, em nấu cho chị!”
Lời vừa dứt, Lý Nguyệt lập tức nhảy dựng lên:
“Anh con đi làm mệt cả tuần, cuối tuần còn phải nấu ăn nữa à?”
Quý Điềm đáp trả ngay:
“Anh ấy là thiếu gia vàng bạc gì sao? Đi làm rồi thì ngay cả nấu ăn cũng không được à?”
Quý Vũ cũng tiếp lời, hỏi tôi muốn ăn gì.
Lý Nguyệt bĩu môi, lại tiếp tục giọng điệu đầy ai oán:
“Được rồi, được rồi, các con nói gì cũng đúng. Chỉ cần anh con và chị dâu sống hạnh phúc, hòa thuận, mẹ có chút ấm ức cũng không sao cả.”
Tôi: “?”
Quý Điềm: “?”
Tôi còn chưa kịp lên tiếng thì Quý Điềm đã không nhịn nổi:
“Mẹ, ai làm mẹ ấm ức hả? Con với anh trai nấu cơm cho chị dâu ăn, cuối tuần mẹ còn được nghỉ ngơi, thế mà lại thành mẹ chịu ấm ức?”
“Mẹ đừng có cố tình gây chuyện nữa được không?”
Lần này, cuối cùng bà ấy cũng im lặng.
Nhưng Quý Điềm vừa về, bà ấy chắc là thấy con gái ruột của mình không bênh vực mình, càng nghĩ càng tức.
Thế là ngay khi Quý Điềm vừa bước ra cửa, bà ấy cũng đuổi theo để mắng con gái.
Tôi thấy Quý Điềm bỏ quên đồ, định chạy ra ngoài đưa cho cô ấy, ai ngờ lại vô tình nghe được hai mẹ con họ cãi nhau.
Lý Nguyệt giận dữ:
“Quý Điềm, con là đồ vong ơn bội nghĩa phải không? Mẹ là mẹ của con! Mẹ vất vả ở nhà anh con chăm chị dâu con ở cữ, nó còn trưng bộ mặt khó chịu với mẹ, không thèm ăn cơm mẹ nấu, còn cố tình đặt đồ ăn ngoài để chọc tức mẹ. Vậy mà con không bênh mẹ, lại còn đứng về phía người ngoài để nói mẹ?”
Quý Điềm cười lạnh:
“Mẹ tự nghe lại xem, mẹ vừa nói cái gì vậy? Cái gì mà anh con với chị dâu sống tốt thì mẹ chịu ấm ức cũng không sao? Mẹ là mẹ ruột của anh con hay là người thứ ba chen vào vậy? Anh con với vợ hạnh phúc thì mẹ không vui à?”
“Còn nữa, đây là nhà của anh con, chị dâu con không phải người ngoài. Mẹ tỉnh táo lại đi, mẹ có biết cái gì nên nói và cái gì không nên nói không?”
“Chị dâu con còn chưa chê mẹ nấu dở hay trách mẹ điều gì, chị ấy thèm đồ ăn ngoài thì đặt một chút, như vậy cũng có sao, vậy mà mẹ lại kiếm chuyện với chị ấy làm gì.”