Mẹ Chồng Tiêu Chuẩn Kép - Chương 2
4
Nhưng Lý Nguyệt là kiểu người sai thì nhận nhưng nhất quyết không sửa.
Bà ấy còn nghĩ là tôi đã bỏ bùa gì cho Quý Điềm, khiến con gái vốn ngoan ngoãn nghe lời của bà bỗng dưng bắt đầu cãi lại.
Thế là, vừa bị Quý Điềm nói một câu, bà đã quay sang tiếp tục kiếm chuyện với tôi, để kiểm soát cuộc sống của tôi và Quý Vũ.
Đến khi tôi ra tháng, chuẩn bị đi làm lại, thì hai ngày trước đó, bà ấy đột ngột buông tay.
Người từng hùng hồn nói với tôi rằng: “Sinh con là việc của con, còn lại cứ để mẹ lo” – giờ lại thản nhiên nói:
“Giờ mẹ lớn tuổi rồi, sức khỏe không còn như trước. Từ lúc chăm con ở cữ, đêm nào mẹ ngủ cũng đau lưng. Mấy hôm nay càng đau hơn. Mẹ không thể giúp con trông con nữa. Hay là bảo mẹ con qua đây giúp đi?”
Rõ ràng là bà ấy đã tính toán sẵn: mẹ tôi còn hai, ba năm nữa mới nghỉ hưu, nên cố tình làm khó tôi.
Tôi suy nghĩ một chút, chẳng tranh cãi làm gì, để bà đi luôn.
Tôi chỉ nói: “Được, con đợi Quý Vũ tan làm, rồi hai vợ chồng bàn bạc xem thế nào. Dù sao thì dạo này mẹ cũng vất vả rồi.”
Bà ấy thấy tôi đồng ý nhanh như vậy thì có hơi ngỡ ngàng. Nhưng lời là do chính bà nói ra, bà đành cứng rắn mà bước đi.
Tối đó, khi Quý Vũ tan làm về, tôi nói thẳng:
“Mẹ anh nói sức khỏe không tốt, không thể giúp mình trông con nữa. Mẹ em chưa nghỉ hưu. Giờ chỉ có hai lựa chọn: hoặc thuê bảo mẫu, hoặc anh nghỉ việc vài năm để chăm con.”
Quý Vũ lập tức phản ứng: “Anh đi làm tốt thế này, sao có thể nghỉ việc được?”
Tôi nhún vai: “Em thì chắc chắn không thể ở nhà toàn thời gian để chăm con, vậy chỉ có thể thuê bảo mẫu thôi.”
Anh ta vội nói sẽ bàn lại với mẹ anh ta xem sao.
Kết quả là, Lý Nguyệt vẫn nói như cũ: đau lưng, mỏi chân, không thể trông cháu.
Nhưng bà ấy còn tranh thủ mắng tôi với Quý Vũ:
“Vợ con đúng là loại tham lam vô đáy, ăn cháo đá bát. Mẹ chăm nó ở cữ, giúp nó trông con, mà nó vẫn nói tới nói lui. Mẹ không muốn làm cái việc vất vả mà chẳng ai biết ơn này nữa!”
Bà ấy còn giả vờ thương con trai mình:
“Tiểu Vũ à, con đừng lo nhiều làm gì. Bảo vợ con nghỉ việc, ở nhà toàn thời gian mà chăm con đi, cũng để nó bớt kiêu ngạo lại. Không thì mẹ thấy, nó sắp trèo lên đầu con mà ngồi rồi đấy!”
Có điều, bà ấy không ngờ rằng Quý Vũ lại bật loa ngoài khi gọi điện với bà. Thế là từng câu từng chữ đều lọt vào tai tôi.
Nhận ra điều không ổn, Quý Vũ vội vàng cúp máy.
Cúp xong, tôi nhìn anh ta, còn anh ta thì lúng túng nhìn lại tôi.
Một lúc sau, anh ta chữa cháy: “Mẹ anh không có ác ý gì đâu, chắc là do dạo này trông cháu mệt quá thôi.”
Tôi cười khẩy.
Anh ta tiếp tục: “Vậy… mình thuê bảo mẫu đi.”
Vài ngày sau, khi tôi và Quý Vũ tìm được bảo mẫu, Lý Nguyệt lại không chịu.
Vì lương bảo mẫu là 5.500 tệ, bà ấy tiếc tiền.
Tự dưng bà ấy hết đau lưng, hết mỏi chân, vội vã chạy tới, giận dữ nói:
“Hai đứa có phải bị tiền làm cho lú lẫn rồi không? Bỏ từng ấy tiền thuê bảo mẫu! Tiền lương của Tần Duệ cũng chỉ cỡ đó, vậy khác gì làm không công cho người ta? Quá lỗ! Thà để con ở nhà chăm con còn hơn! Tự mình trông con thì con mới thân thiết với mình chứ!”
Tôi liếc bà ấy một cái: “Mẹ đã không trông cháu thì đừng có đứng đây chỉ đạo?”
Lý Nguyệt: “…”
Bà ấy nghiến răng, cuối cùng lại nói có thể trông cháu, vì mấy hôm nay nghỉ ngơi đã khỏe rồi.
Nhưng xin lỗi, tôi không cần nữa.
Tôi lịch sự mời bà về.
Sau đó, bà gọi điện cho mẹ tôi, nói rằng tôi không cho bà trông cháu, bảo mẹ tôi khuyên tôi đừng phí tiền thuê bảo mẫu.
Mẹ tôi đến hỏi chuyện.
Tôi kể hết mọi chuyện ra.
Mẹ tôi thở dài, phân tích cho tôi:
“Bà ấy chỉ muốn thể hiện quyền lực với con, bắt con phải nghe lời thôi. Nhưng nếu bà ấy chịu trông cháu thì cũng tốt. Dù sao bảo mẫu cũng khó mà an toàn, toàn dựa vào may rủi. Nhỡ xui rủi gặp kẻ bất lương, như mấy vụ cho trẻ uống thuốc ngủ để đỡ mệt, lúc đó hối hận cũng muộn. Dù sao bà ấy cũng là bà nội, chắc chắn sẽ không bạc đãi cháu.”
Tôi: “…”
Mẹ tôi thấy tôi im lặng, bèn nói thêm:
“Tất nhiên, nếu con nhất định muốn thuê bảo mẫu, thì mỗi tháng mẹ với bố sẽ hỗ trợ con một ít.”
Quý Vũ cũng khuyên tôi: “Em lương hơn 6.000, anh hơn 8.000. Với tình hình kinh tế hiện tại của mình, thuê bảo mẫu thực sự không đáng. Tiền nhà mỗi tháng hơn 4.000, cộng thêm tiền bảo mẫu thì mất hơn 10.000, còn lại bao nhiêu mà lo cho gia đình? Hay là cứ để mẹ anh trông cháu một, hai năm, rồi chờ mẹ em nghỉ hưu qua giúp?”
Đến cả bố chồng – người trước giờ không bao giờ can thiệp – cũng đứng ra giảng hòa, nói rằng Lý Nguyệt chỉ hơi lắm mồm, nhưng không có ác ý, mọi người đều vì gia đình cả, không nên làm căng.
Cuối cùng, vì vấn đề tiền bạc và an toàn, tôi nhượng bộ.
Đồng ý để Lý Nguyệt trông cháu.
Nhất là khi có người trong nhóm chat khu chung cư kể rằng có bảo mẫu cho trẻ uống thuốc ngủ để đỡ phiền, tôi càng sợ không dám thuê bảo mẫu nữa.
Nhưng chính quyết định đó đã khiến tôi vô số lần hối hận sau này.
5
Lúc mới đến trông cháu, mẹ chồng tôi – Lý Nguyệt – vẫn tỏ ra bình thường.
Nhưng sau lưng tôi, bà ta liên tục than phiền với Quý Vũ rằng tôi chẳng bao giờ chịu nghe lời, chỉ biết nghĩ cho bản thân, thậm chí còn không muốn tự tay chăm con, chẳng có tí trách nhiệm nào.
Bà ta còn nói tôi không biết nghĩ cho gia đình, biết rõ nhà không đủ tiền thuê giúp việc mà vẫn cứ đòi mời người về, chẳng hề quan tâm đến chồng mình.
Ban đầu, Quý Vũ còn mất kiên nhẫn, bảo bà đừng suốt ngày soi mói tôi. Nhưng về sau, anh ta cũng bắt đầu vì chuyện này mà tranh cãi với tôi vài lần.
Mỗi lần vợ chồng tôi cãi nhau vì bà ta, bà lại đắc ý đứng bên cười tít mắt, cứ như vừa giành được một chiến thắng nào đó vậy.
Tôi bỗng có cảm giác như đang sống trong một bộ phim cung đấu.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, dù sao bà cũng đang giúp tôi chăm con, có thể nhịn thì nhịn. Chỉ cần bà ta không nói thẳng trước mặt tôi, tôi sẽ coi như không biết gì.
Mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, tôi và Quý Vũ vẫn đưa bà ta tiền công.
Vì thỉnh thoảng, bà ta lại bóng gió nói với tôi:
“Người ta già về hưu, ra ngoài quét rác cũng kiếm được hai ba ngàn, vậy mà ở đây trông cháu chẳng có đồng nào.”
Ngay cả mẹ tôi khi đến thăm cũng khuyên:
“Bà ấy trông cháu cho hai đứa cũng vất vả, cho chút tiền gọi là mua sự thoải mái.”
Mẹ tôi mỗi tháng còn gửi thêm cho tôi tiền để hỗ trợ.
Tôi nghĩ đã đưa tiền rồi thì chắc bà ta sẽ không càm ràm nữa.
Nhưng tôi đã quá ngây thơ.
Chưa được nửa năm, bà ta bắt đầu trắng trợn chê bai ngay trước mặt tôi.
Có lần, tôi phải tăng ca về muộn, bà ta ôm con trai tôi rồi bóng gió:
“Con nhìn xem, mẹ con vì trốn làm việc nhà với trông con nên mới cố ý về trễ như vậy đó.”
Cả ngày hôm đó tôi chạy đôn chạy đáo, mệt muốn ch.ết, không muốn nói chuyện. Tôi sợ mở miệng ra là chửi luôn mất.
Dù sao thì bà ta cũng đang giúp tôi trông con, tôi không cần chấp nhặt với bà ta làm gì.
Thế nhưng, thấy tôi im lặng, bà ta lại tiếp tục châm chọc:
“Mẹ con chắc chắn không thương con rồi, mẹ người ta tan làm là chạy ngay về nhà nấu cơm, dỗ con ăn. Còn mẹ con thì chỉ biết lo cho bản thân, chẳng muốn về nhà nữa.”
Lúc đó, tôi đã chịu không nổi.
Cả ngày đi làm đã đủ bực bội, về đến nhà còn bị bà ta nói móc. Cơn giận trong tôi bùng lên:
“Mẹ, mẹ nói rõ xem ai là người không làm việc nhà, ai là người không chăm con? Ngày nào tan làm 6h30, con về đến nhà là ôm con, làm việc nhà. Còn con trai mẹ, tan làm 6h, về đến nhà là nằm phè ra ghế, cắm mặt vào điện thoại chơi game. Mẹ thấy hắn làm biếng thì im lặng, còn tưởng hắn mệt lắm! Còn con, nếu có hôm nào tăng ca về muộn, thì mẹ lại nói con trốn tránh trách nhiệm? Mẹ có phải là hơi tiêu chuẩn kép không?”
Nửa năm nay, cứ mỗi lần Quý Vũ định đụng tay vào làm gì, mẹ chồng tôi lại xua tay, đẩy anh ta ra:
“Đàn ông mà làm mấy việc này à? Để đó, mẹ làm!”
Bà ta sắp nuôi hư anh ta luôn rồi.
Nhưng đến lượt tôi, bà ta không bao giờ để tôi yên. Tôi vừa về đến nhà là bà ta quăng con cho tôi, hoặc để sàn nhà bừa bộn rồi gọi tôi đi dọn dẹp. Nếu tôi kêu Quý Vũ làm cùng, bà ta liền trừng mắt nhìn tôi, như thể tôi vừa phạm phải điều gì tày trời vậy.
Cuối tuần, tôi và Quý Vũ tự chăm con, bà ta về nhà riêng.
Nhưng bà ta không yên tâm để con trai mình vất vả, hễ về đến nơi là lập tức gọi điện:
“Hôm nay vòi nước hỏng, mai bồn cầu nghẹt, con về giúp mẹ một tay đi!”
Nhưng thực chất là muốn kéo anh ta về để nghỉ ngơi, còn con thì quăng cho tôi một mình trông.
Lâu dần, tôi cũng học được cách đối phó. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại đưa con trai cho Quý Vũ, bảo anh ta dẫn đi luôn.
Sau vài lần, bà ta mới chịu yên.
Tôi thấy ít ra Quý Vũ vẫn còn nghe tôi nói, cũng đứng về phía tôi, nên lười chấp nhặt với bà ta.
Vậy mà bà ta vẫn không chịu dừng lại, lại tìm cách châm chọc tôi.
Tôi chịu đủ rồi!
Hôm nay, tôi phải cãi thẳng với bà ta một trận ra trò!
Tôi đang định chửi thề thì vừa bị điểm mặt gọi tên, Quý Vũ thấy tôi bùng nổ liền lập tức tắt điện thoại, vội vàng xoa dịu:
“Bình tĩnh, bình tĩnh nào!”
Nhưng anh ta vừa dỗ được một câu, Lý Nguyệt lập tức từ bộ mặt ấm ức ban nãy chuyển sang ngồi phịch xuống sofa, khóc rưng rức:
“Mẹ chỉ đùa một câu thôi mà con phản ứng dữ vậy làm gì? Có phải bây giờ con thấy mẹ giúp chăm cháu lớn được một chút rồi, dễ chăm hơn rồi nên muốn đuổi mẹ đi không?”
Tôi tức điên, mặc kệ bà ta có khóc hay không, tiếp tục nói thẳng:
“Cái gì mà chỉ đùa một câu? Chẳng qua là mẹ cảm thấy con sai bảo con trai mẹ làm việc nên không vui thôi! Con trai mẹ kết hôn rồi, có con rồi, thì chuyện chăm con, làm việc nhà, vốn dĩ là trách nhiệm của cả hai vợ chồng! Nếu mẹ cảm thấy con trai mẹ vẫn chưa cai sữa, vẫn còn cần mẹ chăm sóc, nâng niu trong lòng bàn tay, vậy trước kia mẹ còn giục anh ta đi xem mắt, cưới vợ làm gì?”
“Hay là lúc đầu mẹ chỉ muốn tìm cho con trai mình một bảo mẫu, một người mẹ thứ hai? Nếu thế thì sao mẹ không nói rõ trước khi chúng con kết hôn? Mẹ nói sớm thì con cũng đâu có nhất định phải cưới anh ta!”
Tôi nhìn con trai mình một cái, rồi nói tiếp:
“Còn nữa, đừng lấy chuyện giúp trông con ra để uy hiếp con! Không nói đến việc con trả công cho mẹ, mẹ không phải đang giúp con trông con, mà là giúp con trai mẹ trông con! Nói thẳng ra nhé, nếu con cưới người khác, mẹ có giúp con trông không?”
Quý Vũ vội kéo mẹ mình – lúc này vẫn đang ngồi bên cạnh anh ta khóc – rồi quát tôi:
“Tần Duệ, em nói chuyện với mẹ anh kiểu gì vậy? Mẹ anh đang khóc rồi đấy, em còn nói nữa! Mau xin lỗi mẹ anh đi!”
Tôi khịt mũi: “Xin lỗi cái gì mà xin lỗi, tôi đâu có định nuôi thêm một đứa con trai!”
Không những không xin lỗi, tôi còn phải nói cho rõ ràng!
Tôi lôi hết chuyện từ ngày bà ta đến đây ra, bày từng món một trước mặt bà ta.
Cuối cùng, trận cãi vã này kết thúc bằng việc Lý Nguyệt cam kết từ nay về sau sẽ không còn kiểu nói năng mỉa mai, châm chọc nữa.
Nhưng Quý Vũ thì rất không hài lòng.
Anh ta cảm thấy tôi quá ngang ngược, tôi không đáng phải làm ầm lên như thế.
Theo lời anh ta thì: “Dù sao đó cũng là mẹ anh, em cứ khăng khăng cãi nhau với mẹ anh, không chừa cho anh chút mặt mũi nào cả. Nhỡ đâu mẹ anh giận quá bỏ đi thật, thì ai trông con cho tụi mình?”
Tôi chặn họng anh ta ngay:
“Nếu anh sợ tôi làm mẹ anh giận bỏ đi, thì tự anh dọn cái đống rắc rối này đi! Tôi phải cãi nhau với bà ấy, hoàn toàn là vì anh không chịu đứng ra giải quyết!”
Quý Vũ nghẹn họng: “… Nhưng một bên là mẹ ruột anh, một bên là em, anh bị kẹt giữa thế này cũng khó nói lắm mà.”
Tôi cười nhạt: “Sao chưa thấy kẹt ch.ết anh đi?”
Quý Vũ im miệng.
6
Sau lần cãi nhau đó, Lý Nguyệt yên lặng được một thời gian.
Nhưng chỉ là trước mặt tôi mà thôi.
Sau lưng tôi, bà ta vẫn ngày ngày nói xấu tôi với Quý Vũ, còn tính tìm cơ hội để tiếp tục chèn ép tôi.
Hai tháng sau, bà ta thực sự tìm được cơ hội.
Hôm đó là sinh nhật một tuổi của con trai tôi. Bố mẹ tôi đều đến, bố chồng cũng có mặt. Quý Điềm vừa mới kết hôn, đang đi hưởng tuần trăng mật với chồng nên không có nhà.
Mọi người ngồi trong phòng khách trò chuyện. Lý Nguyệt vừa ăn hoa quả vừa mách tội tôi với bố mẹ tôi.
Bà ta bóng gió:
“Giới trẻ bây giờ đúng là yếu đuối. Hồi xưa tôi nuôi hai đứa con, một tay tôi chăm hết, nhẹ nhàng đơn giản. Bọn trẻ thời nay, mới có một đứa con thôi mà ở nhà thì sai chồng làm cái này cái kia, còn nhờ cả ông bà giúp trông con. Đã vậy còn chẳng biết cảm ơn, động tí là cãi nhau với người lớn.”
Chắc bà ta nghĩ có đông người ở đây, bố mẹ tôi sẽ muốn giữ hòa khí mà bênh bà ta.
Vậy nên, khi bố tôi mở miệng, tôi thấy bà ta sững sờ ngay tại chỗ.
Bố tôi phản bác:
“Nó đâu phải góa phụ, không sai bảo chồng nó thì sai ai?”
Ông dừng lại một chút, liếc nhìn Quý Vũ, rồi tiếp tục nói đầy ẩn ý:
“Người lớn tuổi rồi, đúng là khó kiểm soát cái miệng. Mẹ tôi trước đây cũng thế. Nhưng ai có mẹ người đó tự quản. Tôi chưa bao giờ để vợ mình cãi nhau với mẹ tôi, có chuyện gì thì tôi tự cãi với mẹ mình. Dù sao cũng là mẹ con ruột, cãi nhau xong vẫn là mẹ con, đâu có giận nhau qua đêm.”
Quý Vũ có lẽ không ngờ bố tôi lại nói thẳng vậy, lúng túng đáp: “Đúng… đúng là vậy.”
Lý Nguyệt còn muốn nói gì đó thì mẹ tôi bất ngờ quay sang hỏi bố chồng tôi:
“Ông có hai đứa con, hồi xưa ông không giúp trông à?”
Bố chồng tôi: “…”
Ông ấy có giúp hay không tôi không rõ, nhưng nhìn mặt là biết ông bắt đầu bực rồi. Vì mẹ tôi lúc đó, nhìn ông với ánh mắt đầy khinh bỉ, kiểu “ông mà cũng xứng làm đàn ông à?”
Bố chồng tôi đành phải cứng rắn phủ nhận:
“Sao lại không giúp! Hai đứa nó chỉ cách nhau có một năm rưỡi, hồi nhỏ mẹ nó lo không xuể, nên việc nhà tôi làm hết.”
Lý Nguyệt bị vả mặt ngay tại chỗ, nhưng không dám cãi lại bố chồng, tức đến xanh mặt.
Sau khi khách khứa ra về, bà ta liền quay sang trút giận lên Quý Vũ:
“Bọn họ nói chuyện châm chọc mẹ như thế, mà con không nói giúp mẹ một câu nào? Con còn coi mẹ là mẹ không? Con đúng là loại đàn ông có vợ quên mẹ!”
Mắng Quý Vũ xong, bà ta lại quay sang tôi, giọng đầy chua ngoa:
“Bảo sao cô miệng lưỡi sắc bén thế, hóa ra là do bố mẹ cô dạy!”
Tôi chẳng thèm quan tâm.
Quý Vũ thì dỗ bà ta suốt mấy ngày liền. Nhưng càng dỗ, bà ta càng được nước lấn tới, cuối cùng còn ép Quý Vũ bắt tôi xin lỗi bà ta, thì bà ta mới chịu bỏ qua.
Dỗ mệt quá, Quý Vũ quay sang cãi nhau với tôi, đi đi lại lại chỉ có một câu:
“Em không thể nhường mẹ anh một chút à? Chỉ cần nói một câu xin lỗi, có mất miếng thịt nào đâu?”
Tôi cười khẩy:
“Hôm nay em xin lỗi, ngày mai em thành osin của cái nhà này, đúng không?”
Tôi chán chẳng buồn cãi, xách túi về nhà mẹ đẻ luôn.
Thế là tôi với Quý Vũ chiến tranh lạnh suốt nửa tháng.
Nửa tháng sau, thấy tôi vẫn không chịu nhượng bộ, Lý Nguyệt cũng bị cảm, không thể một mình chăm cháu được nữa.
Lúc này, Quý Vũ mới xuống nước xin lỗi, bảo tôi về nhà.
Quý Điềm cũng vừa đi trăng mật về, đứng ra làm người hòa giải.
Hai người họ cùng cam đoan rằng từ nay về sau, Lý Nguyệt sẽ không còn kiểu chọc ngoáy, móc mỉa tôi nữa. Nghĩ đến con trai còn nhỏ, tôi quyết định quay về.
Nói thật, chỉ cần Lý Nguyệt không đứng trước mặt tôi càu nhàu, không giở trò, thì Quý Vũ vẫn là một người chồng, người cha tốt.
Suốt một năm nay, ban ngày con trai tôi do Lý Nguyệt trông, nhưng buổi tối ngủ với vợ chồng tôi. Vì bà ta lớn tuổi, bị cao huyết áp, không nên quá lao lực.
Vậy nên bà ta chỉ trông con ban ngày.
Dù muộn đến đâu, nếu con tỉnh dậy khóc, Quý Vũ vẫn kiên nhẫn dỗ con cùng tôi, còn đi pha sữa cho con nữa.
Lý Nguyệt từng đề nghị để Quý Vũ ngủ riêng, tránh bị làm phiền, nhưng anh ấy thẳng thừng từ chối.
Lễ tết, anh ấy vẫn giữ thói quen như hồi còn yêu nhau, tiện tay mua một bó hoa tặng tôi.
Đây cũng là lý do khiến tôi nghĩ rằng, chỉ cần Lý Nguyệt không nói gì trước mặt tôi, thì tôi có thể làm như không biết.